Doanh nghiệp xây dựng: Vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan

BẢO LOAN 12/10/2023 08:20

Các lĩnh vực may mặc, doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu nhộn nhịp hơn kể từ quý 2 nhưng lĩnh vực xây dựng thì vẫn chưa thấy có tín hiệu khả quan.

>>> Doanh nghiệp xây dựng sắp “chết chùm” vì nợ đọng

Thị trường bất động sản đóng băng đang tạo ra nhiều áp lực không chỉ với các cá nhân, doanh nghiệp trong ngành mà các doanh nghiệp xây dựng cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đầu tiên, phải kể đến việc suy giảm đáng kể về lượng đơn hàng và doanh số bán hàng của bất động sản đã đặt ra thách thức lớn cho các công ty xây dựng. Thị trường đóng băng sự quan tâm của nhà đầu tư và khách hàng cũng giảm dẫn đến việc giảm đáng kể về lượng đặt hàng…

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Kiều Nữ - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kiều cho biết: thị trường bất động sản đóng băng gây ra tình huống khó khăn về tài chính và dòng vốn, không chỉ cho doanh nghiệp bất động sản mà các doanh nghiệp xây dựng cũng không tránh khỏi.

Xây dựng là ngành liên quan mật thiết với bất động sản nên thị trường bđs đóng băng cũng kéo theo xây dựng áp lực

Xây dựng là ngành liên quan mật thiết với bất động sản nên thị trường bất động sản đóng băng cũng kéo theo xây dựng gặp phải nhiều áp lực

Nhà đầu tư và các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản, gây ra khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền mới để triển khai và hoàn thiện các dự án. Điều này cản trở quá trình tiến hành và hoàn thiện dự án, kéo dài thời gian triển khai và tăng áp lực về mặt tài chính.

Xây dựng là ngành yêu cầu liên quan đến vật tư, thiết bị máy móc kèm theo đó là nguồn vốn để phục vụ công việc, đặc biệt lĩnh vực xây dựng liên quan mật thiết đến bất động sản. Chính vì vậy, 9 tháng vừa qua, tất cả các doanh nghiệp trong đó không thể thiếu sự góp mặt của công ty trong lĩnh vực xây dựng đa phần đều gặp khó khăn.

“Không riêng Công ty Vũ Kiều mà các doanh nghiệp về sản xuất đều có những khó khăn nhất định. Hiện nay các khó khăn như: Nguồn xuất đi còn hạn chế, khó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng… vì vậy chỉ có những doanh nghiệp tương đối lớn trụ được. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần nhiều đã không tồn tại được”, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương cho biết.

Trong sản xuất kinh doanh hay đầu tư, yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là vốn. Bà Vũ Kiều Nữ nhấn mạnh: Doanh nghiệp dù lớn đến mấy thì nguồn tiền đưa vào sản xuất kinh doanh cũng đều có giới hạn nhất định. Nguồn vốn đối với doanh nghiệp vẫn luôn được coi như mạch máu trong cơ thể con người, nếu như không có nguồn vốn thì cơ thể khó mà khỏe mạnh được. Chưa kể đến việc doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hơn nữa thì càng khó khăn.

>>> Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng chờ “cú hích” từ Sân bay Long Thành

à Vũ Kiều Nữ - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kiều

"Quý III, lĩnh vực xây dựng vẫn chưa thấy có tín hiệu khả quan", bà Vũ Kiều Nữ - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kiều

Một tình trạng chung của doanh nghiệp là khi khó khăn bủa vây, bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, dừng các dự án… vì nguồn lực cạn kiệt. Vì vậy ngay cả doanh nghiệp lớn, hiện nay số lượng lao động cũng giảm tương đối nhiều.

Tự “đo lường” về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp nữ tỉnh Bình Dương, bà Vũ Kiều Nữ cho biết “đến thời điểm này, sức khỏe doanh nghiệp chúng tôi hiện chỉ còn khoảng 40-50%, bản thân doanh nghiệp Vũ Kiều cũng nằm trong khoảng đó”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ những tín hiệu tích cực trong các lĩnh vực ngành gỗ, may mặc. Một số thị trường lớn của gỗ Việt Nam như Mỹ, Châu Âu từng bước có các dấu hiệu phục hồi, chính vì vậy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những tác động tích cực.

Thời điểm cuối năm nhu cầu về các mặt hàng ngành dệt may bắt đầu tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó lĩnh vực may mặc Việt Nam cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn kể từ quý II. Nhưng lĩnh vực về xây dựng vẫn chưa thấy có những khả quan.

So với các năm trước, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kiều cho biết những khó khăn của doanh nghiệp về vốn, vật tư thiết bị… hiện nay còn tương đối cao.

>>> Năm khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng dân dụng

Là một người làm doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, bà Vũ Kiều Nữ kiến nghị: Lĩnh vực xây dựng có liên quan mật thiết đến bất động sản và chính sách đất đai đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế một quốc gia, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Việc duy trì chính sách đất đai ổn định là yếu tố quan trọng tạo ra môi trường đầu tư lâu dài và thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Thay đổi chính sách thường xuyên và đột ngột có thể tạo ra sự không chắc chắn và ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư và thị trường bất động sản.

Cùng với việc ổn định chính sách trong lĩnh vực đất đai, chúng ta cũng mong muốn không nên phân biệt doanh nghiệp bất động sản hay doanh nghiệp sản xuất. Lĩnh vực nào cũng đóng góp cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp sản xuất thì tạo công việc nhiều hơn còn doanh nghiệp xây dựng tạo cơ sở vật chất về giao thông, trường học,…

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng chờ “cú hích” từ Sân bay Long Thành

    13:00, 06/08/2023

  • Hải Dương: Gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp xây dựng

    02:00, 30/07/2023

  • Doanh nghiệp xây dựng sắp “chết chùm” vì nợ đọng

    03:30, 18/05/2023

BẢO LOAN