Sức mạnh đoàn kết của doanh nghiệp Việt
Trong giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết. Đó là sự thích ứng linh hoạt, cùng nhau chia sẻ cơ hội và xây dựng những mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ.
>>Con đường nào để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, sự ảnh hưởng và tác động của hậu đại dịch còn tác động mạnh và sâu hơn, đã và đang gây ra sự dịch chuyển trong các nền kinh tế, tái cấu trúc trong chuỗi cung ứng, và các thách thức không thể lường trước đối với doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Đoàn kết tạo nên sức mạnh
Việt Nam không phải là ngoại lệ, các DNNVV Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên liệu và lao động, đến suy giảm nhu cầu tiêu dùng.
Hiện nay, các DNNVV Việt Nam đã và đang phải đối mặt với việc tìm kiếm cơ hội tại thị trường nội địa, chia sẻ cơ hội xuất khẩu với các đơn hàng lớn để tận dụng tối đa khả năng sản xuất của họ.
Trong bối cảnh hạn chế giao thương với thế giới bên ngoài, các nước có xu hướng hạn chế nhập khẩu và đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất trong nước, thì sự đoàn kết và hợp tác lại càng có ý nghĩa.
Bởi, các DNNVV đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, như cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, những rủi ro mới do biến đổi khí hậu, chiến tranh.
Đoàn kết nội bộ không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Các DNNVV thường xuyên phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực và quy mô sản xuất. Như vậy, chỉ có sự đoàn kết mới giúp DNNVV tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.
Sự đoàn kết nội bộ cũng định hình văn hoá doanh nghiệp, với sự tôn trọng, hỗ trợ và cam kết đối với mục tiêu chung. Điều này tạo ra một môi trường làm việc đồng đội và thúc đẩy sự sáng tạo. Sản phẩm được sản xuất với sự tận tâm và chất lượng cao, từ đó xây dựng lòng tin từ khách hàng và làm tăng giá trị thương hiệu sản phẩm.
Đoàn kết không chỉ thể hiện ở mức độ nội bộ mà còn là đoàn kết hợp tác đối ngoại với bên ngoài. Xây dựng mạng lưới liên kết rộng khắp và mạnh mẽ, các doanh nghiệp cùng ngành hợp tác để cùng tham gia vào thị trường lớn, đối mặt với các đối thủ lớn và tận dụng lợi thế tập thể.
Họ không cố gắng cạnh tranh về giá cả, mà thay vào đó hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đoàn kết cũng xuất hiện trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và tận dụng tài nguyên hiệu quả.
Trong giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết. Đó là sự thích ứng linh hoạt, cùng nhau chia sẻ cơ hội và xây dựng những mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ.
Đánh giá lại hoạt động để định hướng tương lai
Tuy nhiên, để định hướng phát triển cho tương lai, DNNVV cần nhìn nhận đánh giá lại các hoạt động hiện nay của doanh nghiệp và có các hành động cụ thể: Thứ nhất, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. DNNVV cần tìm hiểu và tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp từ các đối tác, từ các nhà tài trợ, các chương trình dự án hiện có trong nước và quốc tế, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương.
Ví dụ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bổ sung và sửa đổi năm 2023 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, điều khoản hỗ trợ doanh nghiệp có quy định các mức hỗ trợ cụ thể, các hỗ trợ nhiều mảng từ công nghệ, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đến hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Có quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 11, khoản 2 Điều 13, Điều 22, Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Và các đơn vị doanh nghiệp nên tiếp cận để được hỗ trợ chính là các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương.
Thứ hai, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. DNNVV cần tăng đầu tư vào xây dựng văn hoá doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần làm việc đội nhóm và cùng cam kết phấn đấu đối với các mục tiêu chung. Điều này sẽ giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ vượt trội, cung cấp giá trị cao hơn cho khách hàng và làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm.
Thứ ba, hợp tác với các đối tác chiến lược. DNNVV có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược trong ngành hoặc trong chuỗi cung ứng. Hợp tác này có thể giúp DNNVV mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn lực mới và nâng cao khả năng cạnh tranh, các hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, các khâu liên quan và có thể bao gồm hợp tác sản xuất, hợp tác mua chung, bán chung, hợp tác marketing, hợp tác nghiên cứu và phát triển…
Như vậy, đoàn kết không chỉ quyết định đến sự thành công của từng doanh nghiệp mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đoàn kết nội bộ tạo ra môi trường làm việc tích cực, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Đoàn kết đối ngoại giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đối mặt với cạnh tranh và tạo ra giá trị thêm. Các DNNVV của Việt Nam đã và đang làm rất tốt điều này, đoàn kết trong cả nội bộ và đối ngoại là một phần không thể thiếu của sự thành công trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và bất định.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW - “kim chỉ nam” để doanh nghiệp “nâng tầm”
05:00, 12/10/2023
“Nhộn nhịp” trái phiếu doanh nghiệp lên sàn: Chuẩn hoá thị trường
03:40, 12/10/2023
Con đường nào để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
03:00, 12/10/2023
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp
20:06, 11/10/2023