Doanh nghiệp ngành nhựa cần cơ chế, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để phát triển
Đó là chia sẻ của bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) bên lề Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về Máy móc và Thiết bị Công nghiệp Nhựa và Cao su (VietnamPlas 2023).
>>>Tái định hình tương lai ngành nhựa tại Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2023
Trao đổi với báo giới bên lề Lễ khai mạc triển lãm VietnamPlas, bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký VPA cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam sang các thị trường lớn trong 9 tháng đầu năm cũng giảm so với cùng kỳ.
Về nhập khẩu nguyên liệu nhựa, theo Tổng Thư ký VPA, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt gần 5 triệu tấn, với tổng giá trị khoảng 7,2 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 27% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu tại các thị trường như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đều giảm so với cùng kỳ.
Bà Mỹ nhận định, trong 3 tháng còn lại của cuối năm 2023, tình hình sẽ có sự tăng trưởng hơn so với các quý trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi vẫn sẽ còn rất chậm và cần một thời gian dài thì mới có thể phục hồi hoàn toàn.
“Hiện tại các nhà máy sản xuất đã có đơn hàng, nhưng vẫn còn chậm. Tùy thuộc vào thị trường hiện nay, các nhà máy sẽ có lượng khách hàng khác nhau. Đối với các nhà máy chỉ tập trung sản phẩm xuất khẩu cho thị trường châu Âu hiện đang khó khăn nhiều hơn, do thị trường châu Âu phục hồi chậm, cùng với việc lạm phát và giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa, nên việc ảnh hưởng từ thị trường này kéo dài lâu hơn”, Tổng Thư ký VPA Huỳnh Thị Mỹ thông tin.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, đối với các nhà máy có các đơn hàng ở nhiều quốc gia khác nhau, do có sự cân bằng nên khả quan hơn, nhưng cũng bị giảm sản lượng từ 20-30%, rất ít nhà máy duy trì được sản lượng 100% như trước.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng rất chậm, sản phẩm nguyên liệu nhựa nhập về cũng giảm rất nhiều, giá trị nguyên liệu nhựa cũng giảm đi. Do đó, doanh thu của ngành nhựa năm nay sẽ không bằng các năm trước.
Đánh giá về công nghệ sản xuất của ngành nhựa hiện nay, bà Mỹ cho rằng, hiện nay có đến 97-98% là phải nhập khẩu từ nước ngoài, do Việt Nam chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành nhựa. Do đó, để ngành nhựa phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên ngồi lại với nhau, bàn bạc và hỗ trợ cho nhau.
“Các doanh nghiệp trong ngành mặc dù có tiềm lực về tài chính, có tiềm lực về quản trị, có tiềm lực về đầu tư. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp là đầu ra, nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp rất khó để tự mình vươn lên và gần như không doanh nghiệp nào dám đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ, do chi phí đầu tư rất lớn”, bà Mỹ đánh giá.
Do đó, Tổng Thư ký VPA đề xuất, trong chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), Nhà nước cần phải có cơ chế, quy định đả các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam cần phải có sự ràng buộc và cam kết phải sử dụng bao nhiêu % các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ ngồi lại với nhau, doanh nghiệp nào có đủ năng lực và tiềm lực sẽ đầu tư máy móc và công nghệ sản xuất. Có như vậy, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam mới từng bước phát triển.
“Vấn đề cần quan tâm của ngành nhựa hiện nay là vấn đề chính sách của Nhà nước và đảm bảo về đầu ra sản phẩm cho các doanh nghiệp. Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải tự thân vận động, nhưng cũng rất cần có một tỷ lệ đảm bảo nhất định để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển”, Tổng Thư ký VPA Huỳnh Thị Mỹ đề xuất.
Đánh giá về triển lãm VietnamPlas 2023, Tổng Thư ký VPA Huỳnh Thị Mỹ cho rằng, đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Thay vì phải đến các hội chợ quốc tế tổ chức ở nước ngoài rất tốn kém chi phí, thì thông qua triển lãm này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nhà cung cấp máy móc, thiết bị cũng như công nghệ tiến tiến của các quốc gia trên thế giới ngay tại Việt Nam, qua đó, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
“VietnamPlas đã trở thành một thương hiệu của ngành nhựa, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành nhựa đều biết đến triển lãm này. Đây cũng là ngôi nhà chung của ngành nhựa để các doanh nghiệp trong ngành làm việc cũng như trao đổi để cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh”, Tổng Thư ký VPA Huỳnh Thị Mỹ chia sẻ thêm.
Triển lãm VietnamPlas 2023 thu hút sự tham gia của hơn 625 đơn vị triển lãm, với số lượng gian hàng ấn tượng hơn 1.100 gian tham gia đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Bangladesh, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Pháp, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Việt Nam... Triển lãm với tổng diện tích trên 23.000 m2 tăng gấp đôi về số lượng gian hàng cũng như diện tích triển lãm so với năm 2022. Điều này cho thấy thị trường ngành nhựa và cao su Việt Nam đầy tiềm năng và có tốc độ phát triển rất nhanh. |
Có thể bạn quan tâm
Tái định hình tương lai ngành nhựa tại Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2023
08:00, 25/07/2023
Tái khởi nghiệp, “lão làng” ngành nhựa hưởng lợi từ kinh tế xanh
04:00, 15/06/2023
VCCI ủng hộ cải tiến ngành nhựa, in ấn và bao bì theo hướng kinh tế tuần hoàn
02:36, 09/06/2023
Xu hướng hồi phục cổ phiếu ngành nhựa nhìn từ APH
05:49, 28/11/2022
Giá hạt nhựa biến động mạnh, cổ phiếu họ ngành nhựa về mức đáy 1 năm
05:21, 20/09/2022