NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Chuyển đổi số thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp

CẨM ANH - TUẤN NGỌC 25/10/2023 10:11

Chuyển đổi số doanh nghiệp được xác định giúp khai thác tiềm năng kinh tế số nền tảng và kinh tế ngành.

>>[TRỰC TUYẾN] Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số

TS

TS Nguyễn Trọng Đường phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng 25/10/2023 tại Hà Nội, TS Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đổi số.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và trong nước đang thay đổi nhanh. Thế giới đang trong giai đoạn khó khăn được thể hiện trong khái niệm “thế giới VUCA” với các đặc tính: biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ rủi ro. Kinh tế toàn cầu vì thế đang chịu tác động bất lợi mạnh mẽ. Theo dự báo của IMF, GDP toàn cầu dự báo giảm từ 3,5% năm 2022 xuống còn 3% năm 2023. Còn theo dự báo của OECD, GDP toàn cầu năm 2023 - 2024 còn thấp hơn, ở mức 2,7%. 

Là nền kinh tế có độ mở lớn, tác động bất lợi của kinh tế toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Ngân hàng châu Á ADB dự báo, GDP của Việt Nam giảm từ 8,02% năm 2022 còn 5,2% trong năm nay.

Đáng chú ý, “cỗ xe tam mã” cho kinh tế Việt Nam là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí còn giảm tốc… Trong bối cảnh trên, làm mới những động lực tăng trưởng cũ và tạo dựng động lực tăng trưởng mới thông qua chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế số là yêu cầu cấp thiết đặt ra. 

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với kinh tế truyền thống và có tốc độ tăng trưởng bằng 2-3 lần tăng trưởng GDP. Theo báo cáo “e-Economy SEA 2022” do Google và Temasek thực hiện tại một số quốc gia Đông Nam Á, kinh tế số nền tảng của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực trong giai đoạn 2022 – 2025 với khoảng 31%/năm, đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 và gấp 4 lần vào năm 2030 với khoảng 200 tỷ USD.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Trong bối cảnh trên, kinh tế số góp phần tạo ra không gian tăng trưởng mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời là động lực cốt lõi cho tăng trưởng quốc gia, tham gia giải các bài toán kinh tế xã hội… 

Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy kinh tế số. Thực tế, các hoạt động kinh tế số đang diễn ra sôi động, ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP Việt Nam ngày càng tăng qua các năm, từ 11,91% năm 2021 đã tăng lên 14,29% năm 2022 và đang hướng đến con số mục tiêu 20% vào năm 2025.  

Ông Đường cho biết, chuyển đổi số doanh nghiệp được xác định giúp khai thác tiềm năng kinh tế số nền tảng và kinh tế ngành. Số liệu năm 2022 cho thấy, kinh tế số ICT đang chiếm 70% và mức độ lan toả ICT trong các ngành và lĩnh vực khác là 30%.

Số liệu trên cho thấy, tăng trưởng kinh tế số mặc dù có thể đạt chỉ tiêu theo chiến lược đặt ra, nhưng đang có sự mất cân đối giữa kinh tế số ICT và kinh tế số ngành khiến cho việc phát triển thiếu bền vững, đặc biệt Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng phát triển của kinh tế số ngành.

Do vậy, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ trên sẽ phải thay đổi: kinh tế số ICT chỉ chiếm 30% và mức độ lan toả ICT trong các ngành và lĩnh vực khác (kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành) là 70%.  

Để hướng tới mục tiêu này, ông Đường cho rằng, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, từ đó đảm bảo phát triển kinh tế số bền vững.

Từ kinh nghiệm của khủng hoảng kinh tế trước đây cho thấy, doanh nghiệp tích cực chuyển đổi sẽ có khả năng thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh mới, từ đó phục hồi nhanh hơn và phát triển sau khủng hoảng tốt hơn.  

Để tiến hành chuyển đổi số hiệu quả, chuyên gia này cho biết, trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần tư duy lại mô hình kinh doanh. Đó là mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng; cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu; xây dựng nền tảng và hệ sinh thái; thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê; đặc biệt tự động hoá và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển. Tư duy mới này khác hẳn với mô hình kinh doanh truyền thống được dẫn dắt bởi yếu tố chính là lao động; tập trung vào sản phẩm, phát triển và bán sản phẩm; thúc đẩy sở hữu, mua đứt, bán đoạn. 

"Tương tự, khác với tư duy cạnh tranh trước đây theo kiểu “cá lớn” nuốt “cá bé” thì kinh tế số, tư duy cạnh tranh theo hướng “cá nhanh” nuốt “cá chậm”, vừa thúc đẩy hợp tác vừa cạnh tranh để cùng phát triển, xoá bỏ trung gian và trung gian hoá", ông Đường nói thêm. 

Với hơn 71% dân số Việt Nam thường xuyên truy cập Internet, cách tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp là qua môi trường số. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuyển đổi số thông minh, đặt bài toán chuyển đổi số đúng để đảm bảo hiệu quả và thành công. Sử dụng các Nền tảng số phổ biến sẽ là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.  

Tuy nhiên, để vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cần xác định đúng "đầu bài" chuyển đổi số phù hợp mục tiêu sinh tồn, phục hồi hay phát triển. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Đường nhấn mạnh, chuyển đổi số phải đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tinh gọn hơn và giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua cách thức gồm thuê dịch vụ nền tảng số, sử dụng công nghệ đám mây và tự động hoá.

Bên cạnh đó, ông Đường cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các hạn chế bằng việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc như thuê dịch vụ và quy trình chuẩn. Với các doanh nghiệp lớn cần chiến lược chuyển đổi số gồm 6 trụ cột chính bao gồm: trải nghiệm số cho khách hàng; Chiến lược số; Hạ tầng và công nghệ số; Vận hành số; Văn hóa số; Dữ liệu và tài sản thông tin.

Ông Đường nhấn mạnh, chuyển đổi số thông minh để tối ưu hoá nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. "Nếu tất cả đồng lòng tiến về phía trước, chuyển đổi số chắc chắn thành công".

Có thể bạn quan tâm

  • NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Chuyển đổi số thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp

    NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Chuyển đổi số thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp

    10:11, 25/10/2023

  • NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Số hoá cải cách thủ tục hành chính

    NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Số hoá cải cách thủ tục hành chính

    10:03, 25/10/2023

  • NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Không gian phát triển mới của doanh nghiệp

    NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NỀN KINH TẾ SỐ: Không gian phát triển mới của doanh nghiệp

    10:02, 25/10/2023

CẨM ANH - TUẤN NGỌC