Triển vọng ngành nhựa Việt Nam
Sự chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới sẽ giúp ngành Nhựa thế giới và Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
>>>Doanh nghiệp ngành nhựa cần cơ chế, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để phát triển
Đón đầu xu hướng, nắm bắt cơ hội
Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam – VPA, nhiệm kỳ VII (2023-2028), ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngành Nhựa là một trong những ngành công nghiệp thiết yếu không thể thiếu đối với sản xuất và tiêu dùng, và là một trong 10 ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển bởi có tỉ lệ tăng trưởng cao trên 10% qua các năm và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Các sản phẩm nhựa Việt Nam trong những năm gần đây cũng được đánh giá cao về mức độ cải tiến và nâng cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Hàng loạt các công ty nhựa trong nước đã quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật vào từng công đoạn sản xuất để tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các khách hàng trong nước và quốc tế.
Cũng theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường, thay đổi mẫu mã, đầy mạnh xúc tiến thương mại như tổ chức các chương trình khảo sát, tìm hiều nghiên cứu thị trường quốc tế và các khu vực tiềm năng...
“Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng đã tích cực tập hợp, phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trong ngành đến các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, với các chính sách mới liên quan đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, ngành Nhựa trong thời gian tới sẽ đối diện với nhiều thách thức và cơ hội.
Do đó, ông mong các doanh nghiệp ngành Nhựa sẽ có những bước chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng để đón đầu xu hướng, nắm bắt kịp thời các cơ hội để đưa ngành Nhựa Việt Nam tiến dần đến các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm xanh và đáp ứng được các yêu cầu theo xu hướng chung của thế giới.
“TP.HCM và các tỉnh lân cận chiếm tỷ trọng 80% tổng sản lượng nhựa trên cả nước. Chính vì thế đã quyết định sự phát triển hay tụt hậu của cả ngành nhựa Việt Nam. Và sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Nhựa có tác động tích cực đến nền kinh tế của khu vực phía Nam và đất nước”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ thêm.
Kỳ vọng lớn vào các Hiệp định Thương mại
Theo ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch VPA, quy mô của ngành Nhựa năm 2022 ước đạt trên 25 tỷ USD, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhựa bao bì và nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành Nhựa Việt Nam hiện đang có mặt trên 160 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Nhựa trong năm 2022 ước tính đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021 và chiếm 1,2% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Chủ tịch VPA, ngành Nhựa Việt Nam được ví như một ngành gia công vì phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, khoảng 70-80%. Trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100%. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành đang được cải thiện rõ rệt từ cuối năm 2019 và được kỳ vọng trong thời gian tới có thể đáp ứng được 30-40% nhu cầu sử dụng trong nước.
“Với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong tương lai, Chính phủ đã có những chủ trương đẩy mạnh thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường…”, Chủ tịch VPA Hồ Đức Lam chia sẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Nhựa, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm gần 90%, với hơn 25.000 lao động. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành Nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các doanh nghiệp nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 23% trong cơ cấu ngành Nhựa Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng của ngành Nhựa Việt Nam trong giai đoạn 2023-2028, ông Lam cho rằng, trong 5 năm tới ngành Nhựa thế giới và Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển.
Sự chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới sẽ giúp ngành Nhựa thế giới và Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của thị trường và đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ông cũng cho rằng, kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại mà đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan trọng là EU.
“Bên cạnh triển vọng tăng trưởng, ngành nhựa Việt Nam được kỳ vọng sẽ bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới, nhờ sự cải thiện trong năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước”, ông Hồ Đức Lam cho biết.
5 yếu tố hỗ trợ ngành Nhựa phát triển
Chủ tịch VPA Hồ Đức Lam cũng chỉ ra các yếu tố hỗ trợ ngành Nhựa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển trong trong 5 năm tới:
Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành Nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.
Thứ hai, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng tới chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu và phát triển. Ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thứ tư, cạnh tranh khốc liệt. Do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp ngành nhựa cần cơ chế, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để phát triển
01:00, 19/10/2023
Tái định hình tương lai ngành nhựa tại Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2023
08:00, 25/07/2023
Tái khởi nghiệp, “lão làng” ngành nhựa hưởng lợi từ kinh tế xanh
04:00, 15/06/2023
VCCI ủng hộ cải tiến ngành nhựa, in ấn và bao bì theo hướng kinh tế tuần hoàn
02:36, 09/06/2023
Xu hướng hồi phục cổ phiếu ngành nhựa nhìn từ APH
05:49, 28/11/2022