30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Thấu hiểu để đồng hành
Trong thời gian vừa qua, VLA cùng DĐDN đã có nhiều hoạt động trong phản biện, hoàn thiện các chính sách quan trọng.
>>VLA: Nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics phát triển xứng tầm
Trong nhiều năm đồng hành, DĐDN cùng VLA đã sát cánh, thấu hiểu doanh nghiệp logistics tới từng địa phương, từng vùng, qua đó, đề xuất hoàn thiện chính sách, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo sức bật phát triển cho doanh nghiệp.
DOANH NHÂN đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, trong chặng đường 30 đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, DĐDN đã sát cánh cùng VLA hỗ trợ các doanh nghiệp logistics như thế nào?
VLA là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp logistics cả nước cùng với DĐDN - tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân đã nỗ lực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng từ những hoạt động tuyên truyền tiếp cận thể chế, đóng góp xây dựng chính sách, đến tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh cũng như cập nhật xu hướng mới, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, nhờ có cơ quan báo chí như DĐDN, nhịp đập thông tin kinh tế không bị gián đoạn ngay cả trong bối cảnh chuỗi cung ứng logistics toàn cầu đứt gãy. Sự phản ánh nhanh chóng, trung thực, khách quan của Tạp chí, những chính sách bất cập, “ngăn sông cấm chợ” cản trở hoạt động lưu thông hàng hoá trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã kịp thời được tháo gỡ.
Hậu đại dịch, những khuyến nghị về mở rộng thị trường, các ưu đãi của các FTA thế hệ mới từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cũng thông qua DĐDN mà tới được với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp chúng tôi qua đó có những định hướng, thích ứng phù hợp trong bối cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, căn cứ tiếng nói, đề xuất của các doanh nghiệp thông qua các kênh truyền thông của DĐĐN chúng tôi có căn cứ để đề xuất hoàn thiện, điều chỉnh chính sách phù hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực logistics và thuận lợi hoá thương mại.
Hợp tác của hai đơn vị phải được đặc biệt nhấn mạnh thông qua 4 lần tổ chức “Diễn đàn Logistics vùng” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí DĐDN phối hợp VLA tổ chức tại vùng Đồng bằng sông Hồng (TP Hải Phòng), vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TP Cần Thơ), vùng Đông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu)… Thông qua các diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp logistics của từng vùng đã được hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, có cơ hội đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Cũng tại Diễn đàn, doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận cũng như đề xuất các cơ chế cho liên kết phát triển cho từng địa phương, từng vùng, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu tạo chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn thiện, cắt giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá doanh nghiệp Việt. Cụ thể như đề xuất cơ chế liên kết các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng cho việc hình thành “cảng cửa ngõ” quốc gia tại Hải Phòng, cơ chế đặc thù cho phát triển Trung tâm logistics ĐBSCL tại Cần Thơ, chính sách cho hình thành và phát triển Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất giải pháp cho phát triển hạ tầng logistics số, nhà kho thông minh…
Cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao tính uy tín, hiệu ứng lan toả và tính kết nối của các Diễn đàn vùng này. Tại mỗi vùng có lợi thế phát triển logistics, VLA và DĐDN cũng đã bảo trợ cho sự ra đời của các Hiệp hội Logistics địa phương, nhiều Hiệp hội sau một thời gian hoạt động đã thể hiện được tính tích cực và hiệu quả, mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp hội viên của địa phương, của vùng.
Thông qua các Diễn đàn, nhiều mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp đầu nghành đã được triển khai, đơn cử như việc hợp tác giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn (SNP) với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong việc mở tuyến tàu nội địa kết nối Hai Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh với Cần Thơ. Hay như việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác mở rộng chuỗi dịch vụ kho lạnh, vận tải quốc tế, và việc nhiều doanh nghiệp mở văn phòng hoạt đông tại ĐBSCL sau Diễn đàn.
Không chỉ giới hạn trong nước, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp còn thường xuyên phối hợp VLA cử phóng viên theo sát các hoạt động của Liên đoàn Giao nhận vận tải Thế giới (FIATA) cùng các mạng lưới, tổ chức về logistics tại Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Singapore,… góp phần truyền tải kịp thời các thông tin, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật cũng như các xu hướng mới của quốc tế tới doanh nghiệp. Là “cánh tay nối dài” để những xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực logistics nhanh chóng được cập nhật tới các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nước. Hình ảnh phóng viên Việt Nam có mặt tại các sự kiện quốc tế góp phần nâng cao hình ảnh của nghành dịch vụ Logistics nói chung và Hiệp hội VLA nói riêng trên trường quốc tế.
- Ông vừa nhấn mạnh vai trò chung sức kiến tạo và hoàn thiện môi trường kinh doanh mà DĐDN đang cùng VLA theo đuổi, thưa ông?
Đúng vậy, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi luôn nhấn mạnh đây là vai trò tiên quyết và quyết định sống còn của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực logistics nói riêng, việc hoàn thiện chính sách phát triển mới chỉ thực sự được tính kể từ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” mà nay là Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021. Trong khi đó, logistics có tới 17 loại hình dịch vụ với những đặc trưng riêng biệt hoạt động xuyên suốt như “mạch máu” trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, liên quan nhiều đến nhiệm vụ quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành. Mặc dù có tiềm năng phát triển to lớn với tốc độ tăng trưởng duy trì ở 2 con số hàng năm, tuy nhiên đòi hỏi hoàn thiện chính sách cho phát triển logistics, đặc biệt với các loại hình dịch vụ mới trong bối cảnh hội nhập là vô cùng cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, VLA cùng DĐDN đã có nhiều hoạt động trong phản biện, hoàn thiện các chính sách quan trọng, góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế theo ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Đơn cử, VLA cùng DĐDN và các đơn vị liên quan đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị thành công việc điều chỉnh giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng hoá chở bằng đường thuỷ tại các cảng của TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng. Trong suốt quá trình đề xuất chính sách điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển với TP Hồ Chí Minh, đã có tới 30 văn bản liên quan của Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội (2 văn bản), Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính (5 văn bản), Bộ GTVT (3 văn bản), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (5 văn bản) và các Hiệp hội (10 văn bản) cùng rất nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp được DĐDN thông tin kịp thời, hiệu quả tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, góp phần vào việc giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển vận tải thủy theo định hướng của chính phủ và xu hướng phát triển xanh, bền vững. Những nỗ lực sau đó tiếp tục được thực hiện và giành được sự ủng hộ, đồng tình và điều chỉnh giảm của TP Hải Phòng.
Cũng trong năm 2022, Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 Chính phủ đã chính thức giao nhiệm vụ Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành dịch vụ logistics giúp doanh nghiệp logistics tin tưởng vào những bước phát triển mới thông qua sự quản lý, dẫn dắt của cơ quan quản lý ngành.
Đặc bịêt, phóng viên phụ trách về logistics của DĐDN đã cùng Hiệp hội VLA và Liên đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) soạn thảo các kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm của Chủ tịch Liên đoàn tới Việt Nam vào tháng 7/2023 bao gồm đề xuất về việc năng cao vai trò của khu vực tư nhân và Hiệp hội VLA trong Uỷ ban 1899 và khuyến nghị đưa hoạt động logistics đặt dưới sự quản lý của một uỷ ban chuyên trách.
Bên cạnh đó, thông qua các kênh thông tin của DĐDN, VLA cùng các doanh nghiệp đã đề xuất chính sách cho phát triển đội tàu biển Việt Nam, hình thành hãng hàng không riêng biệt cho nông sản, chính sách đối phó thuế tối thiểu toàn cầu,…
- Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, đề xuất mà DĐDN, VLA cần tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?
Chúng tôi tin tưởng VLA và DĐDN sẽ tiếp tục có thêm những hợp tác hiệu quả, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp logistics nói riêng. Theo đó, mong muốn Tạp chí cùng VLA và doanh nghiệp tiếp tục phản ánh chính sách, đề nghị điều chỉnh Luật Thương mại năm 2005 bổ sung thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics…
Thứ hai, xây dựng Chương trình hành động quốc gia về logistics, chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành (quy hoạch tích hợp) theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn cho ngành dịch vụ logistics hiện đại của nước ta.
Thứ ba, triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics 2025 – 2035, tầm nhìn 2045 trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động dịch vụ logistics nội địa, bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm đấu giá hàng hóa, trung tâm logistics, kho hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm. Trong đó, đặc biệt là chính sách phát triển các Trung tâm logistics.
Thứ năm, với vai trò của cơ quan truyền thông đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, VLA mong muốn DĐDN tiếp tục thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, cho đội ngũ doanh nhận logistics Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần của nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mới được ban hành.
VLA tin tưởng, Tạp chí DĐDN sẽ luôn kiên định với sứ mệnh của mình, phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời không ngừng sáng tạo, đổi mới, tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp và đồng hành cùng các cơ quan quản lý trong việc kiến tạo và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp vững mạnh và quốc gia hùng cường.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm