Tăng cường phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

ANH VŨ 16/11/2023 01:47

Muốn có hiệu quả và nâng cao giá trị nông sản, phải hợp tác để sản xuất quy mô lớn, đồng bộ và có sự liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

>>> Xuất khẩu nông sản vững vàng "giữ thành"

Thời gian qua, tại một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, xu hướng hợp tác liên kết đã được áp dụng và mang lại hiệu quả. Theo đó, nông dân đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt, thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tỷ lệ hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cao nhất cả nước, tỷ lệ này cũng chỉ chiếm gần 47%. Còn tính chung trên cả nước, chỉ có khoảng 20% diện tích đất nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, trong khi không phải chuỗi nào cũng bền vững. Điều này dẫn đến thực trạng ở nhiều địa phương trong cùng một vùng hoặc giữa nhiều vùng có cùng một chủng loại sản phẩm chủ lực na ná, trùng lặp dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, tồn đọng sản phẩm và triệt tiêu cơ hội phát triển gây lãng phí nguồn lực.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Trước thực tế trên, theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, liên kết để sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chính là xương sống trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua phát triển các chuỗi liên kết sẽ kéo theo sự phân công công việc phù hợp với từng đối tượng sản xuất, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng đảm bảo phát triển bền vững.

“Đã đến lúc vai trò về nguồn lực ở nông dân cần được phát huy và không có cách phát huy nào tốt hơn việc tổ chức nông dân lại. Đối với người nông dân phải nằm ở các hợp tác xã, liên hiệp xã, các chuỗi giá trị, còn đối với người lao động phải nằm trong các hiệp hội. Hướng tới cuộc sống mới, xã hội hiện đại, một cách có tổ chức, tự chủ, nông dân phải là chủ thể của quá trình phát triển.

>>> Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt và thách thức điều chỉnh tiêu chuẩn của EU

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát hiện nay. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng được mùa, mất giá hay câu chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp hay thương lái bỏ cọc vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi.

ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để rà soát, hoàn thiện quy hoạch về hệ thống hạ tầng kinh tế cho các vùng nguyên liệu. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi được xác định là thế mạnh của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng sẽ cải thiện môi trường pháp luật đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động liên kết và triển khai các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, tạo điều kiện cho các chuỗi giá trị phát triển.

>>> Doanh nghiệp “bắt tay” thúc đẩy logistics cho nông sản

“Nhà nước cùng các cấp chính quyền địa phương sẽ tổ chức, cung cấp các dịch vụ công cho các chuỗi giá trị này. Không chỉ cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp hay nông dân mà cả những vấn đề như: đào tạo, cấp mã số vùng trồng, vay vốn tín tín dụng theo chuỗi giá trị,… Đều nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân gần lại với nhau”, ông Thịnh cho hay.

Ngoài ra, để nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết, trong thời gian tới các bộ ngành liên quan cùng các địa phương cần sớm rà soát để có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp ở tất cả các công sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tăng cường liên kết giữa Nhà nước, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao và nông dân nhằm đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Logistics tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu

    16:21, 15/11/2023

  • Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt và thách thức điều chỉnh tiêu chuẩn của EU

    11:00, 09/11/2023

  • Xuất khẩu nông sản vững vàng "giữ thành"

    15:21, 02/11/2023

  • Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

    00:06, 31/10/2023

ANH VŨ