Nâng cao chất lượng tổ yến Việt chinh phục thị trường "khó tính"
Lô sản phẩm tổ yến đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là dấu mốc quan trọng đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng để chinh phục các thị trường chính ngạch và "khó tính".
>>>Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả "về đích"
Lễ xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vừa được diễn ra theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 09/11/2022. Như vậy sau hơn 5 năm, các sản phẩm tổ yến của Việt Nam đã chính thức có được giấy thông hành vào Trung Quốc, một trong những thị trường có nhu cầu rất lớn về tổ yến và các sản phẩm từ yến.
Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với ngành yến của Việt Nam.
Đây là kết quả triển khai quyết liệt và có hiệu quả các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nêu tại Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo đó, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến gồm có tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
“Ngoài những điều kiện tiên quyết như giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh, giám sát đảm bảo ATTP, một yêu cầu rất quan trọng đó là phải tổ chức quản lý từng nhà yến, từng lô hàng yến để làm sao tất cả các sản phẩm chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được truy xuất 1 cách đầy đủ, chi tiết, cụ thể nhất. Để làm được điều đó Bộ NNPT&NT đã chỉ đạo Cục Thú y, các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tổ chức xây dựng mã của từng nhà yến đi kèm theo đó là nhà sản xuất. Tất cả việc này được quản lý khoa học, logic không chỉ trên giấy tờ mà còn trên hệ thống điện tử”, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm.
Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
Đến nay, đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư. Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 5 trong số 9 doanh nghiệp này và chấp thuận cho Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam, được xuất khẩu hai loại sản phẩm tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn vào Trung Quốc kể từ ngày 20/10.
Đối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi tăng cường liên kết, đầu tư, phát triển đàn chim yến, tăng cường áp dụng công nghệ mới, tìm tòi, nghiên cứu để có thể cho ra nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như khai thác tiềm năng, cơ hội thị trường Trung Quốc mà Nghị định thư đã mở ra.
“Thị trường Trung Quốc là thị trường rất lớn, có nhiều tiềm năng lợi thế. Khi Trung Quốc tiếp nhận sản phẩm yến của Việt Nam sẽ kéo theo ngành yến phát triển theo hướng quy mô lớn hơn, công nghiệp hơn, sản phẩm sẽ đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Khi đó chúng ta sẽ phải tự rà soát, điều chỉnh lại chứ không theo kiểu tự phát hoặc nội tiêu như thời gian trước. Như vậy là vừa nâng cao được giá trị, vừa tăng cường được sản xuất, vừa nâng cao năng lực chế biến", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
>>>"Ba nhà" bắt tay xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP trên nền tảng số
Trước khi lô sản phẩm tổ yến đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sản lượng tổ yến của Việt Nam ước khoảng 200 tấn/năm. Nghề nuôi chim yến theo nghiên cứu khoa học kinh tế là ngành có tiềm năng phát triển phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng hình thành đặc sản quý hiếm và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. "Tổ yến Việt Nam dù đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch là chủ yếu và chiếm thị phần rất khiêm tốn”, bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ.
Được biết, hiện hai nguồn cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc chủ yếu là Indonesia và Malaysia. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Đây chính là cơ hội cho ngành yến của Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu.
“Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới, mang lại giá trị kinh tế cao, đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản xuất yến sào xuất khẩu các sản phẩm yến sào sau chế biến đến thị trường tiềm năng, đông dân nhất thế giới này”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, phát triển bền vững quần thể chim yến đảo là cơ sở để phát triển bền vững nguồn lợi tổ yến có chất lượng và giá trị kinh tế cao khai thác hàng năm ở các hang đảo yến trên cả nước trong đó tập trung ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Khai thác bền vững cần tính toán để vừa đảm bảo nhu cầu hiện tại mà không làm cho nguồn lợi quý từ thiên nhiên này không bị suy giảm trong tương lai.
Trong đó, phát triển các sản phẩm từ tổ yến, nâng cao giá trị tổ yến và tăng cường xuất khẩu tổ yến chính ngạch. “Các sản phẩm tổ yến đảo thiên nhiên luôn có giá trị cao trên thị trường và thường được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Từ nguồn nguyên liệu tổ yến đảo có chất lượng cao cần tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng từ tổ yến đảo có giá trị cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước”, ông Sơn gợi mở.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết trong ngành yến, quản lý theo mã định danh của nhà yến uy tín bằng phần mềm chuyên dụng, hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang các thị trường khác. Trong đó, cần sớm ban hành hướng dẫn cấp mã số cơ sở nuôi yến để thực hiện việc đăng ký xuất khẩu tổ yến.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt và thách thức điều chỉnh tiêu chuẩn của EU
11:00, 09/11/2023
Doanh nghiệp “bắt tay” thúc đẩy logistics cho nông sản
02:30, 08/11/2023
Xuất khẩu nông sản vững vàng "giữ thành"
15:21, 02/11/2023
Sơn La: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
08:25, 01/11/2023
Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
00:06, 31/10/2023