Dung lượng xuất khẩu Việt sang Canada phần lớn thuộc các doanh nghiệp FDI

DƯƠNG THÀNH 18/11/2023 12:46

Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đang có sự tăng trưởng tại thị trường Canada, tuy nhiên, dung lượng xuất khẩu 60% thuộc về các doanh nghiệp FDI.

>>> Logistics tăng sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu

Theo thống kê, các mặt hàng xuất khẩu ấn tượng sang Canada của Việt Nam gồm: Sắt thép tăng 79%; máy móc, thiết bị điện tăng 36%; hàng may mặc và phụ kiện tăng 19%; giày dép tăng 11%; nội thất, đồ gỗ tăng 19%.

Đánh giá về thị trường Canada, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đang có sự tăng trưởng tại thị trường Canada. Tuy nhiên về quy mô cũng như tỷ trọng ngành hàng vẫn còn khá khiêm tốn. Dung lượng xuất khẩu vào Canada vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 60% khi họ tận dụng được các ưu đãi thuế. 

X

Những năm qua kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đang có sự tăng trưởng tại thị trường Canada

“Gạo, rau củ quả Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Mỹ và các nước Nam Mỹ do vấn đề địa lý và vận chuyển. Hơn nữa, nhiều nước Nam Mỹ đã đầu tư mạnh phát triển cây ăn quả nhiệt đới tương tự Việt Nam như mít, xoài, chôm chôm, vải, thanh long và đẩy mạnh xuất khẩu vào Canada những tháng gần đây”, ông Lăng nhận định.

Bên cạnh đó, hàng hóa thế mạnh của Việt Nam cũng kém cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Chile. Điều này xảy ra với nhóm hàng thủy sản ngay trong năm 2023 này khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Hơn nữa, Canada đã ký thêm nhiều FTA song phương với nhiều nước khác nên họ tận dụng những thị trường gần và thân với họ hơn. Canada đề cao các yếu tố bền vững về môi trường đối với sản phẩm dệt may, da giày như sản xuất xanh, sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon gây khó khăn cho sản phẩm của Việt Nam. 

Ô Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bách Luật,

Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bách Luật

Về mặt pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bách Luật, một số lĩnh vực, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm…, là trở ngại với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

>>> Phát triển logistics xanh thúc đẩy xuất khẩu nông sản và dược phẩm Việt Nam vào Úc

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường Canada, ông Hiếu lưu ý cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có thể được áp dụng từ năm 2024, sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP được 5 năm. Cơ chế này khá thuận tiện đối với sản phẩm nội khối, doanh nghiệp sẽ tự đưa ra xác nhận CO nộp cho cơ quan hải quan để được hưởng cơ chế ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý các doanh nghiệp xuất từ Canada phải có thực sự đủ uy tín, tin tưởng giúp doanh nghiệp sử dụng thông tin cung cấp cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi.

“Khi thông tin sai lệch, doanh nghiệp nhập khẩu có thể bị xem xét dưới góc độ hình sự liên quan đến hoạt động buôn lậu, trốn thuế để hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác nhập khẩu cung cấp và chịu trách nhiệm về các thông tin cung cấp, thậm chí đưa thêm 1 ngân hàng, đơn vị tài chính bảo lãnh để có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xảy ra các phát sinh về mặt thông tin pháp lý. Đây là vấn đề hết sức trọng yếu nêu cần thiết lập cơ chế tự vệ khi nhập khẩu hàng hóa”, Luật sư Hiếu nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, đại diện Bộ Công Thương thông tin, Canada có hơn 1/2 người tiêu dùng có độ tuổi từ 24 đến 65, 82% dân số sống ở thành thị, đặc biệt trong 20% dân số là người nhập cư thì một nửa là người châu Á.

“Người Canada có thói quen mua sắm nhiều và đa dạng, phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng cao. Người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, 50% sẵn sàng thử sản phẩm mới từ một thương hiệu không quen thuộc”, ông Lăng nói.

>>> Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả "về đích"

Lưu ý thêm đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh tại Canada, ông Kevin Sullivan, Chủ tịch công ty Export Solutions International cho hay, Canada và Việt Nam luôn ý thức là 2 thị trường cửa ngõ để hàng hóa đi vào các thị trường lớn là Bắc Mỹ cũng như ASEAN. Xu hướng hiện tại của thị trường Bắc Mỹ là các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam để làm nguyên liệu, sau đó họ sẽ đóng nhãn mác thành sản phẩm của họ, không còn là sản phẩm của Việt Nam.

Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên hợp tác với 1 doanh nghiệp sở tại Canada đã có sẵn mối quan hệ với hệ thống phân phối. Khi đó hệ thống phân phối sẽ hoàn thiện các quy trình thương mại hóa cho sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Canada cũng như Bắc Mỹ, tạo ra đòn bẩy cho nhiều chủng loại sản phẩm khi xâm nhập thị trường một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm mới, riêng biệt, có tính sáng tạo cao, lựa chọn phân khúc nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách… do tính chất thị trường thay đổi nhanh, thị hiếu tiêu dùng còn nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận cao.

Đồng thời, doanh nghiệp nên dựa vào thương mại điện tử làm bàn đạp xuất khẩu sang thị trường này và có biện pháp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển logistics xanh thúc đẩy xuất khẩu nông sản và dược phẩm Việt Nam vào Úc

    10:16, 17/11/2023

  • Startup nông sản Việt tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thị trường Mỹ

    09:52, 17/11/2023

  • Xuất khẩu cá tra liên tục giảm, VHC gặp khó

    05:10, 17/11/2023

  • Các công ty Trung Quốc “lách” hạn chế xuất khẩu của Mỹ

    02:00, 17/11/2023

  • Doanh nghiệp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu rau quả "về đích"

    03:00, 14/11/2023

DƯƠNG THÀNH