Gạo Việt Nam được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”: Cơ hội “vươn xa”
Việc được vinh danh là "Gạo ngon nhất thế giới" đã có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt, đưa giá gạo lên vị trí cao nhất thế giới tạo cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường.
>>>Giá gạo "quay đầu" tăng, doanh nghiệp có mừng?
Thông tin gạo Việt Nam vừa được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế (The Rice World) năm 2023 mang lại niềm vui cho người nông dân và doanh nghiệp Việt, làm tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.
Theo đó, năm nay Ban tổ chức không công bố tên gạo đoạt giải mà chỉ Công Bố Quốc Gia đạt giải nhất. Cụ thể, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia và đạt giải thưởng là Doanh nghiệp Hồ Quang - Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết Hội nghị The Rice World đã góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt, tạo được mối quan hệ khách hàng, cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, sản xuất và thương mại trong nước, tiếp cận và giao lưu với thị trường gạo rộng hơn, mang lại hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng lúa gạo”.
>>>Giá gạo tiếp tục lập đỉnh, doanh nghiệp lo tứ bề
Việc Việt Nam được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới” diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vẫn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo và Trung Quốc giảm nhập khẩu, gây ra những thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, những biến động chính trị và cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia cũng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Năm 2023, tình trạng căng thẳng trong nguồn cung cấp và giá cả của các ngũ cốc toàn cầu là một trong những chủ đề nóng được các chuyên gia lúa gạo bàn luận.
Các chuyên gia nhận định thêm, việc giá gạo tăng mạnh trong năm do thị trường ngũ cốc tuột dốc đã đặt ra câu hỏi quan trọng: Quốc gia nào sẽ cung cấp lương thực trong năm 2024 rất khác biệt về nhu cầu khắt khe của khách hàng.
“Trước những thách thức đó, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn được bạn bè thế giới công nhận. Điển hình, bài trình bày về sản lượng và giá trị nhập khẩu của các quốc gia đang cân đối lương thực cho thấy, 89% lượng nhập khẩu gạo trong năm 2023 của Philippine là từ Việt Nam", ông Lê Thanh Tùng thông tin.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: “Lộc Trời và đội ngũ người Lộc Trời vô cùng vui mừng với chiến thắng của lúa gạo Việt Nam! Chúng tôi rất vinh dự và tự hào đã được đóng góp vào chiến thắng này bằng hai giống lúa đặc biệt - Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9! Chắc chắn, cùng với chiến thắng này, chúng ta có thêm tự hào và tự tin về tầm vóc của lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế”.
Đáng chú ý, hiện giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới tạo ra cơ hội thuận lợi hơn nữa cho gạo Việt chiếm lĩnh thị trường. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 29/11, gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu có giá 663 USD/tấn, vượt xa so với 625 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn hàng Pakistan. Tương tự, gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở ngưỡng cao 643 USD/tấn - mức giá đắt đỏ nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.
Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 7,65 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới.
Liên quan đến ngành lúa gạo, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Như Cường, cho biết đề án này là thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Có thể bạn quan tâm
Giá gạo "quay đầu" tăng, doanh nghiệp có mừng?
03:30, 15/10/2023
Giá gạo tiếp tục lập đỉnh, doanh nghiệp lo tứ bề
03:45, 03/09/2023
Cổ phiếu ngành gạo "nổi sóng" theo giá gạo
14:50, 09/08/2023
Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?
04:00, 21/09/2022