Thu hút doanh nghiệp FDI vào năng lượng xanh
Thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực như năng lượng rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ của Việt Nam, do đó, cần các chính sách và ưu đãi khuyến khích đầu tư.
>>>COP28: Đòn bẩy huy động nguồn lực tư nhân cho chuyển đổi năng lượng
Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Một cuộc khảo sát với các thành viên Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, 63% trong số đó xếp Việt Nam là một trong số 10 địa điểm đầu tư hàng đầu. 31% xếp Việt Nam trong số ba mục tiêu đầu tư hàng đầu. Điều này cho thấy, đất nước này có tiềm năng tăng trưởng xanh mạnh mẽ và con số này sẽ tiếp tục tăng nếu Việt Nam chủ động phát huy thế mạnh.
"Chìa khoá" thu hút
Theo Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nhận định, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam đang thu hút nhiều đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, xe điện, lưu trữ năng lượng và nông nghiệp bền vững. Một số công ty châu Âu lớn đã đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn Lego đang xây dựng nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối trị giá 1 tỷ USD ở Bình Dương.
Mặc dù nhận định con đường tới tăng trưởng xanh bền vững của Việt Nam đầy tiềm năng. Tuy nhiên, ông Gabor Fluit cho rằng Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực năng lượng tái tạo.
Cụ thể như Việt Nam cần khẩn cấp nâng cấp lưới điện để kết nối các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng sạch hiện có và hỗ trợ các dự án trong tương lai. Việc bỏ qua nâng cấp có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện thường xuyên hơn, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh.
“Sự bất ổn này đặc biệt gây khó khăn cho các ngành công nghệ cao quan trọng đòi hỏi nguồn điện ổn định như sản xuất chất bán dẫn, trung tâm dữ liệu, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, chăm sóc sức khỏe…”, Chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Đồng thời nhấn mạnh, nếu không có cơ sở hạ tầng năng lượng ổn định và mạnh mẽ, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực này - vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ của Việt Nam - sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam nhận định, các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và xanh nói riêng và năng lượng nói chung thì cần một khối lượng và quy mô đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không huy động được các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thì Việt Nam chúng ta khó có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đã đặt ra cũng như những mục tiêu đã cam kết.
“Vì vậy, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch xanh của Việt Nam…,” Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập nêu ý kiến.
>>>Một số giải pháp thúc đẩy ngành điện khí LNG phát triển
Cơ chế ưu đãi đầu tư
Để thu hút đầu tư FDI vào năng lượng xanh, ông Gabor Fluit nhấn mạnh, cần mở rộng công suất các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tăng cường phân phối trên khắp Việt Nam để đảm bảo mọi người đều có đủ điện, bất kể thời tiết vì nền kinh tế đang phát triển đòi hỏi nhiều năng lượng hơn.
“Các chính sách và ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo sẽ rất quan trọng. Chính phủ có thể tập trung vào đào tạo lực lượng lao động để trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực đang mở rộng này”. Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
Cũng theo ông Gabor Fluit, để phát triển theo hướng này, Việt Nam nên ưu tiên các phương pháp minh bạch, công bằng, nâng cao hiệu quả và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ, năng lượng gió và gió ngoài khơi.
Đồng thời, có thể thiết lập một kế hoạch có cấu trúc chặt chẽ để quyết định ai có thể thực hiện các dự án năng lượng này. Ví dụ như cần có một tổ chức chịu trách nhiệm xử lý các giấy phép và phê duyệt cho các dự án năng lượng tái tạo.
Riêng trong phát triển thị trường, ông Đỗ Văn Long, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương nhấn mạnh tới một số chính sách cơ bản, điển hình như là chính sách phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo; Xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định, đồng thời, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí và các quỹ… và chính sách an ninh xã hội phải phù hợp…
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các Quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được phê duyệt, Chính phủ cần sớm phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch này để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án Năng lượng.
Bên cạnh đó, để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi thì Quy hoạch không gian biển cũng phải được ban hành đồng bộ với các Quy hoạch trên. Các Quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia cho Năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Đặc biệt, cần xem xét nghiên cứu xây dựng và sớm trình Ban hành Luật năng lượng tái tạo…
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách giúp năng lượng tái tạo phát triển
04:00, 03/12/2023
Cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi năng lượng
03:30, 22/11/2023
Chuỗi cung ứng từ chuyển dịch năng lượng mang lại hàng trăm tỷ USD
03:00, 21/11/2023
Phát triển kinh tế xanh cần khơi thông nút thắt chuyển dịch năng lượng
04:30, 15/11/2023
Tiết kiệm năng lượng, hướng đến phát triển xanh tại BSR
16:10, 10/11/2023
Tạo điều kiện cho các tỉnh thu ngân sách từ các dự án năng lượng tái tạo
11:02, 02/11/2023