Sáu xu hướng định hình thị trường logistics năm 2024
Các xu hướng định hình thị trường logistics năm 2024 gồm tính linh hoạt của chuỗi cung ứng; Nắm bắt tự động hóa; Thị trường vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số; Thực hiện tích hợp hệ sinh thái;...
>>>Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL
Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp logistics ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 67,8% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40,0% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể.
Những thách thức với doanh nghiệp
Trước sự chững lại của kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm giảm lần lượt 5,9% và 10,7%, Vietnam Report phân tích, các doanh nghiệp logistics trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, thứ nhất, thách thức về giảm số lượng đơn hàng. Theo đó, ngành Logistics gắn liền với các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa trong nước và thế giới. Khi những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế hiện hữu như bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao sau những chính sách kích cầu tại nhiều quốc gia trong thời kỳ COVID-19, đã đánh dấu mốc chấm dứt thời kỳ tăng trưởng nóng, nền kinh tế khó tránh khỏi tăng trưởng chững lại. Đây là yếu tố tiêu cực có tác động nhanh nhất tới doanh nghiệp logistics, nhất là các doanh nghiệp phục vụ hoạt động logistics quốc tế.
Thứ hai, liên quan tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3 - 5 năm để giành được thị phần. Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử - nơi phát sinh sản lượng ngành logistics ngày càng lớn hiện nay, các doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp. Để gia nhập và duy trì cuộc chơi, các doanh nghiệp cần đảm bảo phương tiện cần đạt được mức tải tối đa, tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, thách thức trên cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp về tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số - điều này càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp logistics nhỏ, không có đủ tiềm lực về cả tài chính và con người.
Thứ ba, về nhóm các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp. Các yếu tố biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao và khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư dù đã được kiểm soát và hỗ trợ rất tốt từ phía Chính phủ nhưng các doanh nghiệp logistics chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ suy giảm kinh tế, mức sụt giảm lớn về doanh thu làm doanh nghiệp nhạy cảm hơn với những yếu tố làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, yếu tố chi phí còn liên quan tới cơ sở hạ tầng phục vụ ngành logistics. Hạ tầng cho logistics liên quan nhiều đến phần không gian, diện tích, có sự giao thoa với hạ tầng giao thông, công cộng. Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc… Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thuận tiện hơn chưa thể thúc đẩy ngành logistics trong ngắn hạn. Về hạ tầng cho lưu kho để xử lý, lưu trữ hàng hóa, theo kết quả phỏng vấn chuyên gia ngành logistics của Vietnam Report, đầu tư kho bãi gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế chưa thực sự đồng bộ. Việt Nam chưa có khu vực tập trung dành cho các doanh nghiệp logistics, dẫn đến hạ tầng logistics thiếu đồng bộ và tập trung, là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chi phí logistics cao.
Cuối cùng, thách thức về nhân lực. Với đặc thù của ngành khi được hình thành và phát triển lớn mạnh trên thế giới, những ràng buộc trong một quy trình thực hiện đã được thiết lập sẵn, yếu tố chuyên môn của nhân lực ngành logistics ngày càng được chú trọng. Trong khi đó, nguồn nhân lực logisticstại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
>>>VLF 2023: Cần Thơ đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng logistics
>>>VLF 2023: Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển logistics Việt Nam
Sáu xu hướng định hình thị trường
Trước kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra tín hiệu lạc quan. Có 34,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định ngành logistics sẽ tăng trưởng tốt hơn. Hơn nữa, dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về việc tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ năm 2024 tại một số khu vực cũng mang lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là nhóm ngành khai thác cảng.
Tổng hợp kết quả nghiên cứu của Vietnam Report kết hợp với phỏng vấn chuyên gia trong ngành cho thấy, các xu hướng định hình thị trường logistics trong năm 2024 và những năm tiếp theo bao gồm: Tính linh hoạt của chuỗi cung ứng; Nắm bắt tự động hóa, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu và khả năng hiển thị theo thời gian thực; Nhu cầu ít hơn tải trọng xe tải (Less than truckload-LTL); Thị trường vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số; Thực hiện tích hợp hệ sinh thái; Thúc đẩy vận tải biển nội địa tại Việt Nam: tiết kiệm chi phí, giảm phát thải.
Trong xu hướng về thực hiện tích hợp hệ sinh thái, Vietnam Report cho rằng, tích hợp hệ sinh thái là giải pháp giúp các doanh nghiệp logistics bổ sung thêm nhiều ứng dụng và nền tảng vào hệ sinh thái kỹ thuật số của mình, một công cụ tích hợp tất cả các hệ thống khác nhau bên trong và bên ngoài. Thay vì phải sử dụng nhiều giải pháp để tích hợp nhiều nền tảng và đối tác thương mại khác nhau, các công ty có thể sử dụng một nền tảng tích hợp toàn diện. Điều này không chỉ làm giảm sự phức tạp trong tích hợp mà còn giúp giảm thiểu lỗi bằng cách đơn giản hóa các quy trình và kết nối.
Do đó, về ngắn hạn, để đạt được mức tăng trưởng vượt trội, đưa doanh nghiệp vươn mình trong thời kỳ khó khăn hiện tại, nắm bắt xu hướng phát triển của ngành, top 5 chiến lược trong ngắn hạn được các doanh nghiệp logistics ưu tiên áp dụng theo khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report như gồm: Đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí; Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; Tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; Tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số.
Đáng chú ý, ở xu hướng về thúc đẩy vận tải biển nội địa tại Việt Nam, Vietnam Report cho rằng, vận tải biển nội địa sẽ là chìa khóa song hành cùng phát triển mạng lưới đường bộ.
Đồng thời lưu ý, điều tiên quyết khi phát triển vận tải biển nội địa là kết nối cảng biển với hệ thống cảng thủy nội địa, đường cao tốc, đường sắt… Sự kết nối đưa vận tải biển trở thành lựa chọn tốt hơn cho vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí Logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương. Quan trọng hơn, vận tải biển không thể tự mình đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả cao nhất. Đó là lý do mà sự kết hợp với ít nhất một phương thức vận tải khác càng được nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự cân bằng “cán cân thương mại” của các vùng kinh tế là giải pháp dài hạn cho giảm chi phí Logistics cần được chú trọng. Điều này được hiểu là phát triển kinh tế tại các địa phương, các vùng kinh tế theo hướng đảm bảo cân bằng giữa lượng hàng hóa “xuất khẩu” và “nhập khẩu” của địa phương, vùng kinh tế đó. Song hành với áp dụng công nghệ, giải pháp trên tối ưu triệt để tình trạng container rỗng làm tăng chi phí Logistics hiện nay. Bởi lẽ, công nghệ giúp tối ưu chi phí Logisticscũng không thể vượt qua rào cản vật lý – ở đây là sự mất cân bằng “cán cân thương mại” tại nhiều địa phương, vùng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL
02:00, 03/12/2023
VLF 2023: Cần Thơ đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng logistics
12:46, 02/12/2023
VLF 2023: Đẩy nhanh xây dựng Chiến lược phát triển logistics Việt Nam
11:35, 02/12/2023
Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL
14:00, 01/12/2023
Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh: “Kiến tạo” chính sách
03:11, 26/11/2023