PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Giải pháp về thuế và phí
“Cần khẳng định rõ điện khí LNG phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi”.
>>PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Cần sớm hoá giải các thách thức
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 7/12.
Nhận diện các thách thức lớn
Theo ông Phụng, việc phát triển điện khí LNG tại Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề không cần phải tranh luận, bàn cãi nhiều về sự cần thiết hay tính cấp bách. Vấn đề là hãy bàn luận về các giải pháp chính sách cũng như các công việc cần phải làm để thực hiện nó.
Trong đó, việc phát triển điện khí LNG hiện nay đang gặp phải những thách thức lớn như: Thứ nhất, bản thân các dự án điện khí LNG gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ thuật, suất đầu tư lớn, quy trình sản xuất kinh doanh chứa đựng nhiều công đoạn rủi ro và mức độ rủi ro cao hơn các dựa án điện truyền thống, giá thành sản xuất cao.
Thứ hai, cơ chế đàm phán giá điện với EVN đang thực hiện theo quy định của Bộ Công thương, (cho dù dựa trên các yếu tố trong cơ cấu hình thành giá điện như chi phí đầu tư nhà máy điện, giá khí cho sản xuất điện, lợi nhuận cho phép, nhưng vẫn phải tuân thủ khung giá quy định), trong khi đó giá khí LNG trên thị trường có biên độ thay đổi rất lớn.
Thứ ba, chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG cũng như các cam kết sản lượng điện mua hàng năm (do giá thành điện khí LNG cao hơn các nguồn điện khác), chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối điện của dự án,…
Thứ tư, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng, phương tiện vận chuyển và kho chứa LNG đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, đang trong giai đoạn lập kế hoạch cảng; trong khi đó, chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng, vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu, kho chứa LNG; chưa có kinh nghiệm trong phát triển chuỗi dự án điện – khí LNG, trong xây dựng và vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG thế giới.
Thứ năm, nhiều vấn đề chưa được xem xét, thống nhất phương thức giải quyết như bỏ quy định về bảo lãnh chính phủ đối với các dự án điện nhưng chưa có hành lang pháp lý để có các biện pháp thay thế, cơ chế tài chính đối với các tập đoàn kinh tế có vốn nhà nước có khả năng tham gia đầu tư, cơ chế cho các cam kết dài hạn của các bên trong chuỗi giá trị sản xuất – truyền tải – phân phối – sử dụng điện khí LNG để đạt hiệu quả cao nhất.
“Tôi đồng tình với những nhận định của các chuyên gia về những thách thức đang đặt ra đối với phát triển điện khí LNG ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những thách thức đó không thể không giải quyết được nếu như chúng ta có nhận thức đầy đủ, tòan diện, có sự thay đổi tư duy về giá điện trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và quan trọng hơn là sự quyết tâm cao của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cùng nhau phối hợp, cộng tác để tháo gỡ các nút thắt, các vướng về chính sách, về quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.
>>Khơi thông nguồn lực cho điện khí LNG: Cơ chế đặc thù cho điện khí LNG
Gỡ khó, hiện thực hoá mục tiêu
Theo vị chuyên gia, về một số giải pháp kiến nghị, chúng ta có 6 nhóm giải pháp kiến nghị rất thiết thực, đó là: Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG; Sớm sửa đổi các bộ luật về Điện lực, Bảo vệ môi trường, các luật thuế; Cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quý chế tài chính của PVN và EVN khi Chính phủ thay đổi cơ chế bảo lãnh: Cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ nhưng tỷ giá do thị trường quyết định; Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG; và Thay đổi nhận thức và tư duy về điện LNG, có cách tiếp cận mới trong cả chuỗi từ đầu tư nhà máy, cung ứng n nhiên liệu, hạ tầng kho, cảng, vận chuyển, hộ tiêu thụ điện, và giá điện khí bắt buộc phải theo cơ chế giá thị trường.
Theo quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Văn Phụng đưa ra một số kiến nghị về chính sách và cơ chế quản lý giá, thuế, phí và lệ phí có liên quan đến chủ đề thúc đẩy phát triển điện khí LNG như sau:
Một là, về cơ chế giá điện: Theo quy định của Luật Giá (Luật số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023, hiệu lực từ 01/7/2024) thì giá bán điện thuộc Phụ lục 2 – Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, và thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực.
Theo Luật Điện lực hiện hành (Luật số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại các năm 2012, 2018 và 2022) thì giá bán điện được quy định tại Điều 31 và Điều 62 của Luật này. Trong đó, giá bán lẻ điện được xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Riêng trường hợp ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi chưa nối lưới điện quốc gia thì giá bán lẻ điện sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối với khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn (trong đó có các Hợp đồng mua bán điện khí LNG), giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.
“Với các quy định pháp luật nêu trên, ngoài các ý kiến đề xuất mà các tham luận trước đã nêu ra, tôi cho rằng cần phải thống nhất cách hiểu và kiên quyết thực hiện 2 nội dung sau: Khẳng định rõ điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi.
Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay “các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, là nắng, là gió, là khí, là dầu, là thủy điện,… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân”, thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay”, ông Phụng gợi ý.
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xấy dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG. Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG.
>>PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Sáu nhóm giải pháp hiện thực hoá mục tiêu
Nghiên cứu, điều chỉnh thuế, phí
Chuyên gia cao cấp về Thuế ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, qua rà soát hệ thống pháp luật, chính sách thuế hiện hành của Việt Nam cho thấy chúng ta đã có 9 sắc thuế chính cùng với một số khoản phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách nhà nước (NSNN).
Liên quan đến yêu cầu khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí LNG, một số quy định về áp thuế, khí cũng như các ưu đãi về thuế cần được nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng sau:
Thuế nhập khẩu LNG: Hiện hành, biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi (có hiệu lực từ ngày 15/7/2023), có quy định dầu mỏ, các loại khoáng chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thuộc Chương 27 và khí hóa lỏng LNG thuộc nhóm ngành 2710 và 2711 với mức thuế suất 5%. Việc giảm thuế nhập khẩu có tác động giúp giảm thấp giá thành điện do sử dụng nhiên liệu LNG. Do vậy, xin đề xuất chuyển xuống áp dụng mức thuế suất thấp nhất trong Biểu khung thuế nhập khẩu là 0%.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Đây là loại thuế gián thu do người tiêu dùng chịu, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm tính vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong suốt quá trình luân chuyển từ nhập khẩu nhiên liệu, sản xuất, truyền tải, phân phối, cung ứng và bán lẻ điện tiêu dùng thì thuế GTGT không ảnh hưởng đến giá thành, chiphis sản xuất kinh doanh. Do vậy, không nên đặt vấn đề áp dụng mức thuế suất thuế GTGT khác biệt với mức thuế suất phổ thông (10%) đang áp dụng ổn định và phù hợp lâu nay.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Đây là sắc thuế có tác động trực triếp đến kết quả kinh doanh, hiệu quả đầu tư và thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư bởi có các quy định ưu đãi thuế. Luật thuế TNDN hiện hành (đã cập nhật các nội dung được sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014, 2016) có quy định mức ưu đãi thuế rất cao cho các dự án điện, trong đó có điện LNG.
Theo đó, dự án đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện (không phân biệt nguồn nhiên liệu sử dụng) thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi đi vào hoạt động; được miễn thuế tối đa 4 năm, kể từ khi có lãi (sau 3 năm hoạt động), và giảm tối đa 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.
Đối với dự án nhà máy điện có quy mô vốn đầu tư lớn, hoặc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thì có thể được kéo dài thêm thời gian hưởng thuế suất ưu đãi nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% quy định tại Khoản này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, quy định về ưu đãi thuế cao như mức nêu trên sẽ được điều chỉnh lại theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp Thứ 6 vừa qua về Thuế TNDN bổ sung để thực hiện cam kết thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu. Mức thuế suất 10% cũng sẽ được trình thay đổi theo Dự án xây dựng Luật thuế TNDN sửa đổi vào năm 2024 tới đây.
Để có thể hiện thực mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, chúng ta cần điều chỉnh lại ưu đãi thuế TNDN trong thời gian tới như sau:
Một là, điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi từ 10% lên mức 15%, điều chỉnh các mức thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế để bảo đảm mức thuế suất thực tế không thấp hơn mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%.
Hai là, rà soát và đưa ra khỏi danh mục dự án ưu đãi thuế ở mức cao đối với dư án nhiệt điện than, thậm chí bỏ cả ưu đãi thuế đối với các dự án thủy điện. Bởi vì, trong gai đoạn hiện nay, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại bởi tác động nhiều mặt của thủy điện đối với kinh tế, xã hội, với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển vùng miền, sinh kế của người dân là không nhỏ. Như vậy, ưu đãi thuê đối với dự án điện chỉ còn lại áp dụng đối với điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.
“Về các loại thuế, phí và lệ phí khác, tôi cho rằng cần rà soát tổng thể các loại thuế, phí và lệ phí đối với tài nguyên, môi trường để bảo đảm nguyên tắc tránh thu trùng lắp, ảnh hưởng đến sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, đồng thời điều tiết đúng và trúng vào các đối tượng gây tác động xấu đến môi trường. Đó là:
Thuế bảo vệ môi trường đối với các loại than (dùng cho nhiều mục đích, trong đó có nhiệt điện than), đề nghị rà soát lại mức thu. Bên cạnh đó có thể mở rộng diện áp dụng, đồng thời với việc chuyển đổi tên thuế bảo vệ môi trường sang tên gọi khác là thuế đối với các chất và hoạt động gây ô nhiễm để thực hiên mục tiêu cụ thể và sát thực tế là đối tượng nào gây ra ô nhiễm phải trả thuế/phí do việc phát thải ra ô nhiễm.
Cùng với thuế bảo vệ môi trường cần có thay đổi như trên, xin đề xuất cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế mới về thu thuế/phí/giá đối với khí thải carbon, đồng thời với việc xây dựng và vận hành thị trường phát thải. Nếu cơ chế này được nghiên cứu và triển khai áp dụng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa tạo nguồn thu NSNN (trên cả cả 2 phương diện về quy mô và thay đổi cơ cấu thu), vừa tạo sự công bằng và tác động thay đổi hành vi đối với môi trường”, ông Nguyễn Văn Phụng đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Phải theo cơ chế thị trường
15:14, 07/12/2023
PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Sáu nhóm giải pháp hiện thực hoá mục tiêu
14:42, 07/12/2023
[TRỰC TIẾP] Hiện thực hoá mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII
14:08, 07/12/2023
PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Cần sớm hoá giải các thách thức
13:58, 07/12/2023