Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

THY HẰNG 08/12/2023 03:00

Cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước để thu hút nhân lực và nâng cao chất lượng lao động ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

>>>Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu

Việt Nam xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhân lực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhân lực bán dẫn là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng chip.

Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, sự hiện diện, hợp tác của doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam đạt được mục tiêu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Nói như Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neuffer cho biết các doanh nghiệp thành viên của SIA có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư.

"Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông John Neuffer nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.

Bên cạnh đó, tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Việt Nam thành lập NIC, có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.

Đặc biệt, ông Dũng cho biết quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững; hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ.

Theo dự kiến, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành bán dẫn ngày càng tăng, Việt Nam cần 5.000 - 10.000 kỹ sư mỗi năm và phải có quy trình, kế hoạch phát triển đội ngũ tài năng. Tuy nhiên thực tế, nhân lực vẫn là lo lắng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực. Theo các doanh nghiệp, để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phải nâng cao kỹ năng, tái đào tạo kỹ năng cho người lao động.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh (HSIA), 95% nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công nghệ vi mạch tại Việt Nam đến từ nước ngoài. Cả nước chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất.

Việt Nam hiện có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chíp, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm hơn 76%. Nhu cầu nhân lực của công nghiệp bán dẫn cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng bổ sung cho nguồn nhân lực này chỉ đạt khoảng 20%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các công đoạn sản xuất vi mạch bán dẫn thì Việt Nam tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch, chiếm khoảng 52%. Còn lại các công đoạn khác như sản xuất vi mạch, đóng gói-kiểm định vi mạch... chiếm 48%, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Điều này đồng nghĩa, trong 5.500 nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại các công đoạn khác nguồn nhân lực rất thiếu.

“Trong thời gian qua, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên thế giới cho rằng nếu không có nguồn nhân lực thì rất khó để các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định. 

>>>Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo bổ sung cho tới đào tạo mới hoàn toàn. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Việt Nam đứng vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á về đào tạo ngành toán và hóa học. Đây là nền tảng tốt để đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.

Với những lợi thế hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đảm bảo sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất, đầy đủ nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, do đó thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. Thứ nhất là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch

Thứ hai là Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Hiện nay, Bộ đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm

  • Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn

    12:00, 26/11/2023

  • "Cơn ác mộng" với ngành bán dẫn

    04:20, 10/11/2023

  • Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu

    02:00, 30/10/2023

  • Xây dựng nguồn nhân lực ngành bán dẫn - chìa khóa tạo đột phá kinh tế

    03:00, 28/10/2023

THY HẰNG