Việt Nam và Mỹ sẽ tham vấn về áp thuế bán phá giá cá tra bằng cơ chế của WTO

Thy Hằng 17/01/2018 06:00

Việt Nam đã chính thức gửi đơn khiếu nại biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với sản phẩm cá tra, basa... Mỹ sẽ phải phản hồi về việc chấp nhận tham vấn hoặc không trong vòng 10 ngày và hai bên phải tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn. 

vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên vào năm 2002

Vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam đầu tiên tại Mỹ diễn ra vào năm 2002.

Sau thông báo về quyết định thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam, mới đây, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.

Ngoài ra, Việt Nam cũng khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.

Cụ thể, từ nhiều năm qua, sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) nâng mức thuế chống bán phá giá lên mức quá cao, điều này gây ảnh hưởng đến các lao động trong ngành cũng như việc tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường Mỹ. Đồng thời, đi ngược lại xu thế hợp tác toàn diện Việt Nam - Mỹ 

Theo đó, từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên vào năm 2002, đến nay đã có 13 cuộc điều tra chống bán phá giá được Mỹ thực hiện với cá tra, basa fillet đông lạnh từ Việt Nam.

Gần đây nhất, tháng 9/2017, DOC ra quyết định thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 1.8.2015 đến 31.7.2016. Theo đó, mức thuế được công bố cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12. DOC đã áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn và tính biên độ phá giá đối với Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO) – Tiền Giang lên mức 2,39 USD/kg. DOC đã cho rằng, GODACO không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ dữ liệu cần thiết cho Bộ Thương mại Mỹ để điều tra.  

Ngay sau khi Mỹ công bố quyết định này, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có ý kiến cho rằng, đợt xem xét thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái ngược với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường.

Qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua. "Kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ”, thông báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.

Trước đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định rõ: Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt vào thị trường Mỹ. Việc sản phẩm Việt Nam có giá xuất khẩu thấp là do các doanh nghiệp cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm từ đó chi phí sản xuất giảm đưa đến sản phẩm cá tra Việt Nam có giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các phụ, phế phẩm từ cá tra được tận dụng để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm tăng giá trị và hiệu quả sử dụng cá tra để tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Theo quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp WTO, Mỹ phải phản hồi về việc chấp nhận tham vấn hoặc không trong vòng 10 ngày và hai bên phải tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn. 

Đây là vụ việc khiếu nại thứ tư của Việt Nam lên cơ chế giải quyết tranh chấp WTO và là vụ việc khiếu nại thứ ba của Việt Nam đối với Mỹ, vụ việc trước đó liên quan tới mặt hàng tôm. Tất cả các vụ việc này đều liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại.

Mặc dù mọi việc liên quan đến con cá tra khi vào Mỹ vẫn còn trong giai đoạn chờ xem xét. Hầu hết các doanh nghiệp kỳ vọng Mỹ sẽ áp một mức thuế thấp để tạo điều kiện cho người tiêu dùng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra Việt Nam mà họ ưa chuộng. 

Thy Hằng