Thị trường xe ô tô đang có những biểu hiện xâm hại quyền lợi người tiêu dùng?

Linh Nga 26/01/2018 10:52

Tâm lý mua xe ô tô phục vụ Tết và thuế xe ô tô nhập khẩu trong khu vực ASEAN được giảm từ 30% xuống 0% từ ngày 1/1 đang là những nguyên nhân chính khiến thị trường xe ô tô những ngày gần Tết Nguyên đán 2018 trở nên sôi động.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh về tình trạng phải mua xe ô tô với giá cao hơn giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc.

Theo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, nhu cầu mua sắm xe ô tô đi lại dịp Tết của người dân rất cao. Đặc biệt, năm nay, người dân chờ đợi đến thời điểm 1/1/2018, thuế xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam bằng 0% để mua xe ô tô với giá rẻ hơn.

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, thị trường xe ô tô đang có những biểu hiện xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thông thường, khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu người tiêu dùng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Điều 328 – Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, "đặt cọc là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thường làm theo hướng dẫn của đại lý như: viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, làm như thế là người tiêu dùng đã chấp nhận cho các đại lý xâm hại quyền lợi chính đáng của mình.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Ví dụ, trường hợp người tiêu dùng đặt cọc 100 triệu đồng để mua xe ô tô mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả người tiêu dùng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.

Về thay đổi giá khi giao xe, trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp người tiêu dùng đã có phản ánh về tình trạng phải mua xe với giá cao hơn giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc.

Trên thực tế, khi gặp những tình huống trên, người tiêu dùng thường làm theo hướng dẫn của đại lý như: viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, làm như thế là người tiêu dùng đã chấp nhận cho các đại lý xâm hại quyền lợi chính đáng của mình.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

"Vì vậy, người tiêu dùng nếu phát hiện các điều khoản hợp đồng với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người tiêu dùng có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng"- đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gần đây nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng có nội dung phản ánh về việc đại lý giao xe ô tô thiếu linh, phụ kiện đi kèm như: lốp xe dự phòng, hộp dụng cụ, sách hướng dẫn sử dụng… 

Do vậy, trước khi nhận xe, người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ các linh phụ kiện kèm theo xe được công bố công khai trên các trang thông tin của các hãng xe để được đảm bảo quyền lợi.

Linh Nga