Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 3): Da giày - Nghịch lý kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp - nghịch lý này của ngành da giày đang là bài toán khó cho các nhà quản lý, nhất là khi dư địa phát triển được nhận định chỉ còn dồi dào trong khoảng 10 năm nữa.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép sang thị trường nước ngoài trong tháng đầu năm 2018 đạt 1,42 tỷ USD, giảm 3,5% so với tháng cuối năm 2017 nhưng tăng mạnh 21,1% so với tháng đầu năm 2017.
Thị trường Mỹ luôn đứng đầu về tiêu thụ các loại giày dép xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt 506,25 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Giày dép xuất khẩu sang Trung Quốc tăng rất mạnh 68,8% so với cùng kỳ, đạt 129,55 triệu USD, chiếm 9,1%; sang Nhật Bản tăng 39,6%, đạt 98,4 triệu USD; sang Đức giảm 7,2%, đạt 85,91 triệu USD, chiếm 6,1%; Bỉ tăng 11%, đạt 83,54 triệu USD, chiếm 5,9%.
Các nước EU nói chung tiêu thụ gần 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, đạt 417,6 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, năm 2018, ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da.
Cùng đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ cũng đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan được kỳ vọng. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp - nghịch lý này của ngành da giày đang là bài toán khó cho các nhà quản lý, nhất là khi dư địa phát triển được nhận định chỉ còn dồi dào trong khoảng 10 năm nữa.
Ông Lê Kỳ Anh - chuyên viên kinh tế và thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, một đôi giày bán tại EU có giá 100 euro, Việt Nam chỉ thu được 2 euro, trong đó bao gồm tất cả chi phí sản xuất, tiền lương...
Theo phân tích của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí cho nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và chi phí quản lý gián tiếp khác, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí cho nhân công, sản xuất ngày một cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp khó tăng, thậm chí ngày một giảm.
Gia công chiếm tỷ trọng lớn cũng là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng của ngành thấp. Thực tế, doanh nghiệp trong nước không muốn làm thuê mà muốn “mua đứt, bán đoạn” nhưng do thiếu vốn, buộc phải lựa chọn hình thức sản xuất gia công, nhận 60% vốn khách hàng ứng trước để quay vòng sản xuất. Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất với đối tác thứ 3 đến từ Hàn Quốc, Đài Loan… phần lợi nhuận theo đó bị san sẻ đáng kể.