Chỉ dẫn địa lý - “tấm bùa” bị lãng phí

Thy Hằng 21/04/2018 12:00

50% số bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại đang bị lãng phí do thiếu tính liên kết và một chiến lược sử dụng hiệu quả.

Trước đây, người trồng cam ở Cao Phong (Hoà Bình) rất vất vả, nhiều lúc cam chín vàng, rụng đầy đồi mà không có người mua. Thậm chí, để bán được hàng, nhiều lúc còn phải mượn thương hiệu của cam Vinh để xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong không những không phải mượn thương hiệu để xuất khẩu mà còn bán được giá cao.

 Chè Mộc Châu do Hội Sản xuất chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu quản lý, nhưng cả 10 thành viên của Hội đều là nhà chế biến, không có nông dân tham giap/nên không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý.br class=

Chè Mộc Châu do Hội Sản xuất chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu quản lý, nhưng cả 10 thành viên của Hội đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia nên không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý.

“Vũ khí” bảo vệ

“Giá bán Cam Cao Phong giờ tăng gấp 5 lần so với trước. Các hộ trồng cam ở Cao Phong giờ đây nhà nhà đi ô tô và được gọi là tỷ phú làng, trong khi hàng loạt nông sản khác của Việt Nam, như chuối, dưa… không bán được và chờ giải cứu”, bà Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết.

Chả mực Hạ Long, sau khi có chỉ dẫn địa lý đã tăng giá 15% lên mức 17 USD/kg, trong khi những sản phẩm cùng chủng loại có giá chỉ 9 USD/kg, bằng một nửa giá sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Thực tế cho thấy, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong nước không chỉ là “vũ khí” để bảo vệ hàng Việt Nam ở trong nước mà cả ở nước ngoài.

Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, sau khi được UBND tỉnh Đắk Lắk đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước vào năm 2005, thì đến năm 2010 đã bị một nhà sản xuất Trung Quốc đăng ký ngay tại thị trường 1,3 tỷ dân. Cho dù thế, sau khi tranh tụng tại tòa, Đắk Lắk cũng đã thắng kiện.

Theo bà Thu vụ việc về Cà phê Buôn Ma Thuột là bài học giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài và bảo vệ chỉ dẫn địa lý trước nguy cơ mất thị trường tại nhiều nước trên thế giới.

50% chỉ dẫn bị “bỏ hoang”

Lợi ích của chỉ dẫn địa lý là vấn đề không phải bàn cãi, tuy nhiên trên thực tế có đến 50% chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác.

Chẳng hạn như chỉ dẫn địa lý quế Hưng Yên được Nhà nước ủy quyền, giao cho Hiệp hội Ngành nghề quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011.

“Hay chè Mộc Châu, mặc dù có Hội Sản xuất chế biến và kinh doanh chè quản lý nhưng không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý”, bà Delphine Maria Vivian- Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp) nêu thực tế.

Nguyên nhân được vị chuyên gia này chỉ ra là do cả 10 thành viên của Hội đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia.

Thực tế, ở các nước, chỉ dẫn địa lý do các hiệp hội ngành nghề quản lý thì ở Việt Nam lại thuộc về Nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều nhà sản xuất tại địa phương được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý vì không biết mình có quyền. Và cũng vì vậy mới xảy ra việc nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất thương hiệu và phải kiện mới lấy lại được thương hiệu từ Trung Quốc.

Theo bà Delphine Maria Vivian, người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng lại ít thấy thông tin về chỉ dẫn địa lý trên nhãn những sản phẩm an toàn, hữu cơ... Đây là điều đáng tiếc và lãng phí khi phải bỏ công sức, tiền bạc để được chứng nhận CDĐL nhưng lại ít quan tâm, sử dụng.

Để khai thác tối đa hiệu quả của chỉ dẫn địa lý, theo bà Delphine Marie Vivien, các địa phương nên chú trọng việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đã qua chế biến cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường. Quan trọng hơn, "Việt Nam nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia ngay từ đầu khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vì họ hiểu rõ sản phẩm, quy trình sản xuất và sẽ bảo vệ tài sản vô hình này về sau", bà Delphine Marie Vivien tư vấn.

Thy Hằng