Bán hàng đa kênh - Xu thế tất yếu của các nhà bán lẻ

Nha Trang 27/04/2018 04:00

Bán hàng và quản lý đa kênh là giải pháp hữu hiệu giúp mở rộng kênh bán, từ đó tăng khả năng tiếp cận khách hàng ở mức tối đa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Xu thế tất yếu

Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, việc mua hàng qua vài cái click chuột đã là chuyện "thường ngày nơi… công sở". 

Cùng với sự xâm nhập thị trường của nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Lazada, Adayroi… và sự phát triển mạnh mẽ của những nền tảng mạng xã hội, diễn đàn như Facebook, Zalo, Instagram, Muare.vn, Nhattao.com, Lamchame.vn…, các doanh nghiệp đã và đang có nhiều "đất diễn" cho các sản phẩm của mình tiếp cận với khách hàng.

Việc tận dụng các nền tảng này cũng được xem là đòn bẩy để quảng bá sản phẩm trong thời buổi nhà nhà dùng Internet để bán hàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiêp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), với sự xuất hiện của Internet và sự phát triển của công nghệ, bán lẻ truyền thống đã không còn duy trì vị thế độc tôn. Những năm qua, doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử đã gia tăng nhanh chóng và dự báo đạt 10 tỷ USD trong một vài năm tới. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh đang dần trở nên phổ biến.

Đại diện Vecom cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 35% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.

Các doanh nghiệp đang dịch chuyển từ bán hàng offline sang online rất nhanh, nhiều doanh nghiệp hoặc lựa chọn phương thức bán hàng đa kênh. Đó là xu hướng báo trước sự tăng trưởng doanh thu bán lẻ qua thương mại điện tử”, ông Hưng cho biết thêm.

Còn theo bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail: “Hiện ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhanh chân trong việc triển khai áp dụng các công cụ để đến gần hơn với khách hàng mọi lúc, mọi nơi, sẽ gia tăng đáng kể hiệu quả bán hàng".

Nhận định về xu hướng thay đổi phương thức bán hàng trong phân phối bán lẻ gần đây, ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT cho rằng, ngành bán lẻ đang thay đổi rất mạnh mẽ trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam, tốc độ chuyển mình cũng rất nhanh chóng.

Hiện tại, người mua hàng sử dụng nhiều thiết bị kết nối internet khác nhau như điện thoại, máy tính, thậm chỉ cả máy chơi game để mua hàng. Họ cũng có thể mua sắm ở bất cứ đâu, trên website, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử hay đến tận cửa hàng. Do đó, việc ứng dụng nền tảng bán hàng đa kênh dựa trên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công cụ thương mại điện tử được dự báo sẽ là giải pháp cốt lõi cho các doanh nghiệp bán lẻ trong cuộc cạnh tranh sống còn hiện nay.

Bài toán khó

Phân thân là cách nhiều shop nhỏ vẫn đang làm khi bán hàng đa kênh. Họ tư duy như một người tí hon muốn tiết kiệm chi phí phải cố gắng gồng mình để làm việc như một người khổng lồ. Điều đó thường sẽ khiến cửa hàng khó tăng trưởng bứt phá ngay cả khi tăng số người nhưng quy trình vận hành không thay đổi.

Một cửa hàng bán cả online và tại quầy, có rất nhiều công đoạn trong kinh doanh tốn nguồn lực như nhập hàng, sắp xếp hàng hóa, đăng bán sản phẩm, tư vấn, chốt đơn, kiểm kho, liên hệ vận chuyển, kiểm tra thanh toán, chăm sóc khách hàng, báo cáo, quản lý,… Với những cửa hàng nhỏ, một người sẽ phải “đa di năng” để đảm nhận tất cả những công việc này một cách thủ công và nhân lên theo từng kênh. Càng nhiều kênh mức độ phức tạp lại càng cao. Họ sẽ rất khó có thời gian, nguồn lực để tập trung vào những công việc chính.

Khi bán hàng trên nhiều kênh, mọi dữ liệu từ sản phẩm, đơn hàng, khách hàng, số lượng tồn kho thường sẽ hoàn toàn độc lập trên mỗi kênh.

Chủ shop sẽ bắt đầu phải đăng bán sản phẩm nhiều lần trên từng kênh khác nhau. Các thông tin về giá cả, mô tả, số lượng tồn kho sẽ tách biệt nên khi có bất cứ thay đổi nào phải thay đổi thủ công hàng loạt.

Khi đó, quản lý hàng tồn kho trở thành bài toán khó của bán hàng đa kênh. Thử hình dung nếu một cửa hàng bán trên 5 kênh một lúc, họ sẽ phải vào từng kênh kiểm tra đơn hàng và trừ thủ công về tồn kho tổng. Điều này sẽ trở nên rối ren, nguy cơ sót đơn, thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt trong các thời gian cao điểm, chạy chương trình khuyến mại…

Có những tình huống dở khóc dở cười đã từng bị phạt vài triệu đồng khi không có hàng giao cho khách chỉ vì không cập nhật số lượng tồn kho kịp thời trên một sàn TMĐT. Hay nhân viên trực online vừa nhận đơn cách đây vài phút nhưng tại cửa hàng đã bán ngay lúc đó chiếc cuối cùng. Shop lại phải “muối mặt” gọi lại xin lỗi khách hàng vì không còn hàng giao cho khách. Một trải nghiệm tồi tệ của khách hàng như vậy rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến shop mất đi khách hàng này mãi mãi.

Nhiều chủ shop online cũng cho biết, điều họ cần giờ đây là một giải pháp có thể quản lý bán hàng một cách tập trung nhất, khắc phục được những điểm yếu này, giúp họ thuận tiện hơn trong kinh doanh và tiếp cận với khách hàng. Còn nếu tiếp tục làm thủ công, việc thuê thêm nhân lực để chia nhau phụ trách từng kênh rồi báo cáo, cập nhật không tức thời gây nên tốn kém trong chi phí và sự thiếu ổn định về nhân sự cũng như thiếu chuyên nghiệp của cửa hàng là điều khó tránh.

Nha Trang