Xuất khẩu thuỷ sản làm sao "vượt vũ môn"?

Thy Hằng 01/05/2018 18:00

Mặc dù xuất khẩu thuỷ sản ghi nhận mức tăng trưởng sáng trong bốn tháng đầu năm, tuy nhiên để duy trì mức tăng trưởng và đạt mục tiêu 10 tỷ USD còn rất nhiều rào cản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4 năm 2018 của cả nước ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu thuỷ sản

Xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 650 triệu USD trong tháng 4/2018.

Bức tranh tăng trưởng sáng

Trong đó, đáng chú ý, giá trị xuất khẩu thuỷ sản tháng 4/2018 ước đạt 650 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản bốn tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018, chiếm 52% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (55,7%), Trung Quốc (44,6%), Anh (33,8%)... 

Theo Bộ NN&PTNT nhận định, do thời tiết thuận lợi, các đàn cá liên tục xuất hiện nên nhiều tàu thuyền trúng đậm các loại cá nục, cá hố, cá thu, cá cơm... Nhờ đó, sản lượng đánh bắt tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, theo báo cáo của địa phương, tại 3 tỉnh chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.427 tấn cá ngừ, giảm 14% so với cùng kỳ 2017.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 4 chững giá ở mức cao do nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể,  thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4/2018 chững giá ở mức cao, trung bình 28.000 – 30.000 đ/kg, có nơi 31.000 - 32.000 đ/kg do nguồn cung chưa có dấu hiệu tăng trong khi nhu cầu vẫn cao.

Do giá cá tra luôn ổn định ở mức cao, nông dân tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi ồ ạt, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cá giống và đẩy giá cá giống lên mức cao. 

Trong khi đó, thị trường tôm trong tháng cũng khá ổn định đối với tôm sú và có xu hướng giảm nhẹ đối với tôm thẻ chân trắng trong bối cảnh nguồn cung tôm trong tháng khá tốt. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú oxy loại 20 - 40 con/kg dao động 260.000 - 380.000 đ/kg; giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20 - 40 con/kg dao động 150.000 - 275.000 đ/kg.

Giá tôm thẻ ướp đá giảm nhẹ từ 2.000 - 10.000 đ/kg, hiện đang dao động ở mức từ 88.000 - 105.000 đ/kg cho các cỡ 50 - 100 con/kg. Trong khi đó, nguồn cung tôm trong tháng khá tốt.

"Rào cản" tới mục tiêu 10 tỷ USD

Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù thuỷ sản ghi nhận tăng trưởng sáng bốn tháng đầu năm, tuy nhiên ngành thủy sản vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tác động như Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm, cá trang sang Mỹ và “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu…

Trong khi đó, toàn ngành thủy sản đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2018. Trong đó, mặt hàng tôm tiến tới mục tiêu 4,8 tỷ USD, tăng 26%, cá tra 2 tỷ USD, tăng 10% và các mặt hàng hải sản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22%.

Nói như ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP): "Những yếu tố này nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực như kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương. Đồng thời là việc xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện môi trường kinh doanh,…"

Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản thời gian tới, đứng từ góc độ VASEP, ông Hòe cho hay, một trong những giải pháp là tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, kiểm soát xuất tiểu ngạch, đặc biệt là đối với mặt hàng cá tra.

Ngoài vấn đề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, VASEP còn đưa ra đề nghị thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp Bộ NN&PTTN và VASEP đặt mục tiêu định hướng cho những thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản và những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Australia,Trung Đông... nhằm giải quyết các vướng mắc, rào cản để thúc đẩy xuất khẩu.

Cụ thể, xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường theo hướng tiếp cận liên kết chuỗi, hợp tác công tư (PPP), thông qua hình thức PPP, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại kết hợp nâng cao nhận thức để nhiều thành phần trong chuỗi giá trị có thể tham gia quảng bá thủy sản Việt Nam chất lượng và an toàn một cách thường xuyên, hiệu quả.

“Năm 2018 là thời gian mà hầu hết các FTA thế hệ mới có hiệu lực như FTA Việt Nam-EU có khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết trong tháng 3/2018 và nhiều khả năng sẽ được các thành viên phê chuẩn và có hiệu lực trong năm 2018,… Xin Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp qua các chương trình nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp có thế tối đa hóa các ưu đãi mà các FTA mang lại”, ông Hòe nói.

Bên cạnh giá trị xuất khẩu tăng trong những tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản ước đạt 130 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt 536 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017. 

Thy Hằng