Omnichanel - động lực cho thương mại điện tử
Theo báo cáo "xu hướng người mua hàng" của Nielsen, Omnichanel (bán lẻ đa kênh) sẽ trở thành động lực phát triển của ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian tới.
OmniChannel là một triết lý về cung cấp trải nghiệm thương hiệu phù hợp, độc đáo và theo ngữ cảnh dựa trên nhiều điểm tiếp xúc khách hàng, bao gồm bán lẻ, sàn thương mại, trang web, điện thoại di động và mạng xã hội.
Thách thức đối với Omnichannel
OmniChannel giúp phối hợp các kênh bán hàng một cách thống nhất, giúp tăng độ phủ sóng thương hiệu và giúp doanh nghiệp quan tâm đến khách hàng nhiều hơn, từ đó không chỉ giúp nâng cao giá trị nhãn hiệu mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng. Nói cách khác, đây chính là việc người kinh doanh bán hàng trên các kênh khác nhau (từ cửa hàng, quầy hàng cho đến mạng xã hội, trang web, catalogue và cả phần mềm ứng dụng bán hàng trên điện thoại thông minh) thực hiện một cách nhất quán nhằm giúp cho quá trình mua hàng của khách thuận tiện và tối ưu.
Tuy nhiên, khách hàng là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ nhằm tối đa hóa sức mạnh chiến lược Omnichannel của họ. Do mỗi khách hàng đều có sở thích mua hàng riêng, nên các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức điều hướng từng khách hàng một. Mặc dù vậy, thách thức này đang dần dần biến mất khi các công nghệ, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trở nên dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách của Omnichannel.
Thúc đẩy thương mại điện tử
Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng theo ước tính của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, doanh thu TMĐT chỉ chiếm từ 2,8-3% trong tổng doanh thu của toàn ngành bán lẻ. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng vẫn thận trọng khi mua hàng qua mạng do những e ngại về chất lượng sản phẩm cũng như do chưa có kênh thanh toán an toàn và tiện lợi.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu người tiêu dùng đang dần thay đổi, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để tiếp cận khách hàng một cách đa chiều hơn, đó là lý do tại Omnichannel ra đời và sẽ trở thành xu hướng tất yếu thúc đẩy những chuyển biến tích cực cho TMĐT cũng như nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Dân số đông, người tiêu dùng trẻ, tiếp cận công nghệ tốt, tỷ lệ người sử dụng internet cao và thị phần thương mại điện tử trên tổng ngành bán hàng chỉ dưới 3% đang là những tiêu chí thể hiện sự hứa hẹn của thị trường TMĐT ở Việt Nam.
Bởi vậy, hiện nay thị trường TMĐT đang cạnh tranh rất khốc liệt. Cạnh tranh đang không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử mà nhiều loại hình doanh nghiệp khác cũng tìm cách tham gia vào kênh bán hàng này. Đáng chú ý là các nhà bán lẻ truyền thống lớn như Thế giới di động (MWG), Viễn Thông A, FPT, Nguyễn Kim, Aeon, Lotte, Big C, Saigon Co.op… cũng đang tăng tốc trong mảng bán lẻ online.
Giới chuyên gia nhận định, Omnichannel kết hợp kênh truyền thống và kênh trực tuyến sẽ trở thành xu thế tất yếu ở Việt Nam. Xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển để đạt mục tiêu 10 tỷ USD doanh số giao dịch TMĐT vào năm 2020.