Làm sao giải "cơn khát" của ngành gỗ Việt?
Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá tốt, nhưng cũng vì thế nên nhu cầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng ngày một tăng lên.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trong 4 tháng đầu năm 2018.
Mang về tỷ USD trong 4 tháng 2018
Trong tháng 4/2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 680 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, ngành gỗ và sản phẩm gỗ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan khi kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng, hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ.
Theo nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm, thậm chí, một số doanh nghiệp còn có đơn hàng đến hết năm 2018, đặc biệt là đơn hàng từ thị trường châu Âu và Mỹ.
Năm 2018, nhiều khách châu Âu và Mỹ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc tại thị trường Hàn Quốc khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh. Với các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết với Hàn Quốc, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.
Một tín hiệu mừng là đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí tại thị trường Trung Quốc khi thị phần tại thị trường này được cải thiện.
Giải “cơn khát” nguyên liệu
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), với mục tiêu xuất khẩu cả năm ở mức 9 tỷ USD, các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất nỗ lực để thực hiện các đơn hàng đáp ứng yêu cầu của các đối tác cũng như đạt được đích cho mục tiêu nói trên.
Tuy nhiên, số lượng đơn hàng tăng mạnh là tin vui, nhưng đi kèm với đó cũng có một mối lo khác, đó là nguồn nguyên liệu gỗ để cung ứng cho các đơn hàng cũng đang gặp khó khăn. Hiện, để đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu, lượng gỗ nguyên liệu đã phải nhập về một con số không nhỏ.
Cụ thể, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tính đến hết tháng 4/2018, cả nước nhập khẩu 698 triệu USD gỗ nguyên liệu, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá tốt, nhưng cũng vì thế nên nhu cầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng ngày một tăng lên. Từ nay tới hết năm và cả giai đoạn tiếp theo, khó khăn nhất của ngành gỗ vẫn là vấn đề nguyên liệu.
“Theo tính toán, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng thêm 1 tỷ USD thì nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng thêm khoảng 3,5 triệu m3. Trong khi đó, gỗ trong nước, gỗ rừng trồng chỉ khoảng 10-15% đạt yêu cầu. Mỗi năm, trong nước khai thác khoảng 18-19 triệu m3 gỗ, nhưng chỉ có 2 đến 3 triệu m3 làm đồ gỗ, còn lại là dăm, các loại ván nhân tạo…", ông Quyền cho biết.
Để giải bài toán nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến xuất khẩu, theo đề xuất của Vifores, Nhà nước nên hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô, điển hình là dăm mảnh để lấy gỗ đó làm việc khác. Đồng thời, phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước như gỗ cao su, gỗ vườn nhà, gỗ trái cây,…
“Muốn thực hiện được điều này cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề vận chuyển, nguồn gốc gỗ…”, ông Quyền đề xuất.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), về lâu dài Việt Nam sẽ cần chủ động được nguồn gỗ trong nước. Điều này vừa giúp giảm giá thành vừa minh bạch nguồn gốc gỗ. Trong khi việc truy suất nguồn gốc sản phẩm còn khó khăn, doanh nghiệp mới tập trung sản xuất, chưa chú ý nhiều đến nguồn gốc gỗ nên cần nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với hộ trồng rừng.