Gỡ "nút thắt" trong nâng cao chất lượng sản phẩm

Nguyễn Minh 10/05/2018 18:51

Để doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường và phát triển bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm tạo giá trị gia tăng cần “gỡ” nhiều “nút thắt”.

gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm Tỏi Lý Sơn Việt Nam

gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm Tỏi Lý Sơn Việt Nam

Tại hội thảo “Cơ hội thị trường và yêu cầu về chuẩn chất lượng để thực phẩm, nông sản an toàn Việt Nam phát triển thị trường” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Hội doanh nghiệp hàng VN Chất lượng cao tổ chức diễn ra ngày 10/5 ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa về lĩnh vực nông sản thực phẩm của Việt Nam.

"Soi" chất lượng sản phẩm Việt

Ông Tạc minh chứng, mặc dù đứng đầu thế giới trong xuất khẩu nông thuỷ sản nhưng giá trị gia tăng mặt hàng này còn quá thấp. “Nay chúng ta giải cứu dưa hấu, củ cải, mai giải cứu thịt lợn, mấy bữa nữa lại giải cứu vải... Điều này phản ánh những vấn đề của nông sản thực phẩm chúng ta... Trong nước thì giải cứu, xuất khẩu thì nhiều lô hàng bị trả về vì dư lượng kháng sinh cao, có nhiều tạp chất”, ông Tạc nhìn nhận.

Cũng theo ông Tạc, dẫn tới những hậu quả trên không phải Việt Nam không có các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm nông sản thực phẩm. Cụ thể, các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mà Tổng cục đo lường chất lượng xây dựng liên quan tới nông sản thực phẩm có tất cả 1.536 tiêu chuẩn, liên quan tới an toàn thực phẩm là 884 tiêu chuẩn - chiếm 57% trong tổng số tiêu chuẩn liên quan tới nông sản thực phẩm.

Đại diện Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, ông Bùi Kim Đồng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý chưa được doanh nghiệp chú trọng. Doanh nghiệp ít hoặc không sử dụng tên gọi, logo, nhãn mác trong thương mại. Ngoài ra, thiếu sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng, thiếu tổ chức tập thể nên không có khả năng tự kiểm soát, vấn đề sản phẩm nhái nhức nhối.

Theo ông Đồng, cứ sản phẩm nào có chất lượng chỉ thời gian ngắn đã có sản phẩm giả tràn lan trên thị trường. Mặt khác, tư duy phát triển nông nghiệp còn hạn chế, thay vì dựa trên nền tảng chất lượng để cạnh tranh, thì phát triển ào ạt ra ngoài vùng địa lý quy hoạch. Đối với sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng yếu. Hậu bảo hộ chỉ dẫn địa lý bằng việc duy trì chất lượng sản phẩm chưa được duy trì.

Ở một khía cạnh khác, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, lâu nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm vẫn xuất nguyên liệu thô hoặc làm gia công là chính nên không có “thói quen” bị xét giấy thông hành, căn cước. Vì thế, điểm nghẽn hiện hữu, đó là doanh nghiệp nhỏ Việt Nam muốn xuất khẩu nhưng lại ít coi trọng và chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, một loại luật chơi phổ quát mà thế giới đã có những quy định chung...

Để Made in Việt Nam "trụ" ở nước ngoài?

Để sản phẩm Việt “trụ” được tại thị trường nước ngoài, ông Tạc đề xuất, cần có công cụ để quản lý được chất lượng các sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đây là điều bắt buộc. “Nếu chúng ta không quản lý được thì thiệt hại và mất uy tín là điều khó tránh” ông Tạc chia sẻ.

Ông Tạc dẫn chứng từ câu chuyện nước Đức, hàng năm Đức tổ chức “Hội Made in German”, họ coi đây là bộ mặt của nước Đức. Khi một sản phẩm nào đó đóng dấu sản xuất ở Đức thì có nghĩa là sản phẩm đó “khỏi bàn” về chất lượng dù đó là máy sửa răng, lò nghiên cứu năng lượng nguyên tử... Sản phẩm khi có dấu “sản xuất ở Đức” thì giá bán rất đắt. Ông kỳ vọng đến một lúc nào đó, mã sản xuất ở Việt Nam có được uy tín như Đức thì điều đó đặc biệt có giá trị và làm nên tên tuổi Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cũng nói về thương hiệu, ông Ju Young Yun, Giám đốc điều hành Tập đoàn GS25 Retail (Hàn Quốc) nhận xét, sản phẩm Việt Nam có chất lượng nhưng chưa được đón nhận mạnh mẽ ở thị trường nước ngoài.

Lý giải điều này, ông Ju Young Yun cho biết, bao giờ đối tác cũng thận trọng trong việc xem xét, đánh giá để nhập khẩu một sản phẩm từ thị trường nước ngoài. Các sản phẩm của Việt Nam để phân phối được tại thị trường nước ngoài cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng nước sở tại. Sản phẩm có thương hiệu uy tín và được xây dựng bằng lòng tin của người tiêu dùng.

Đồng thời, đối tác đánh giá khả năng cung ứng hàng hoá của doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung cho chuỗi phân phối của họ. Tiếp đến, doanh nghiệp có sự đầu tư trong việc ngày càng cải tiến sản phẩm để phù hợp với xu hướng thị trường thông qua việc kết hợp với thực phẩm truyền thống Việt Nam.

Cũng theo ông Ju Young Yun, cần tạo dựng thương hiệu bằng việc đầu tư về hình ảnh, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm ra thị trường thế giới. Đây là điểm mấu chốt giúp sản phẩm Việt “trụ” vững tại thị trường nước ngoài.

Nguyễn Minh