Cuộc dịch chuyển mới của cửa hàng tiện lợi

Tiến Minh 15/05/2018 16:23

Trong bối cảnh các thành phố lớn khi nội đô ngày càng khan hiếm mặt bằng, các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải mở rộng thị trườn ra vùng ven nhưng mảnh đất này không phải dành cho tất cả.

Thị trường bán lẻ hiện đại trong năm qua đã chứng kiến hình ảnh chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại các vùng ven một số thành phố lớn. Chia sẻ lý do đưa thương hiệu đến các vùng ven, đại diện Thế Giới Di Động cho biết, việc chọn kinh doanh ở các quận, huyện là để lấp đầy những khu vực chưa có mô hình cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng đang có nhu cầu lớn.

Cuộc dịch chuyển mới

Chia sẻ về chiến dịch mở rộng Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động từng chia sẻ, Bách hóa Xanh không tạo sự khác biệt bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu, mở nhà máy sản xuất hay đầu tư xây dựng trung tâm phân phối lớn mà chỉ là chuỗi bán lẻ thông thường hướng đến mục tiêu cung cấp cho khách hàng dịch vụ "mua nhanh, mua rẻ".

Các cửa hàng này không mở ở những trục đường thương mại mà chủ yếu ở đường nhỏ, đường hẻm, gần khu dân cư nhằm thay thế một phần vai trò chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Lợi thế của Bách hóa Xanh là có lượng hàng hóa phong phú và giá rẻ hơn ở chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Cùng với Bách hóa Xanh, sau khi mở nhiều cửa hàng ở các quận trung tâm, Saigon Co.op, Satra cũng đưa cửa hàng tiện lợi ra vùng ven và về các tỉnh. Hiện tại, chuỗi Co.op Food có 210 cửa hàng, riêng tại Hà Nội có 5 cửa hàng, tại Cần Thơ có 2 cửa hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc chủ động phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart đến các tỉnh - thành được Saigon Co.op thực hiện từ khá sớm, đến nay đã vượt con số 60, phân bổ trên cả 3 miền. Cùng với đó, Saigon Co.op đang đẩy mạnh việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Food tại một số tỉnh thành.

Nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo "Asean connect 2016" cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ tăng 33 triệu người vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng do dân số trẻ, đô thị hóa nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các chính sách ưu đãi khác là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu không dễ dàng

Theo tính toán, giai đoạn năm 2018 - 2021 được xem là thời điểm vàng để thị trường bán lẻ tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển mạnh của nhu cầu về giải trí (với mức tăng khoảng 10%), tạp hóa hiện đại (tăng khoảng 9% hằng năm) và thời trang (tăng 6%). Ở nông thôn, kênh bán hàng hiện đại đang thu hút người tiêu dùng mua sắm. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, số siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ở 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ 2016.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, xu hướng mở cửa hàng thực phẩm tiện lợi ở vùng ven sẽ tiếp tục trong năm 2018 khi các nhà bán lẻ đều có kế hoạch tăng số lượng điểm bán. Và các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đa quốc gia.

Còn theo ông Nguyễn Quang Dũng - PGĐ Công ty CP Tư vấn đầu tư Bán lẻ Việt, mô hình cửa hàng tiện lợi đã và đang đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm thiết yếu, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Tuy nhiên, so với siêu thị và cửa hàng truyền thống, mô hình cửa hàng tiện lợi, theo các nhà bán lẻ, vẫn chậm thu hồi vốn, kém cạnh tranh do giá bán hàng hóa đắt hơn.

Để giảm giá bán, các chuỗi cửa hàng phải đảm bảo số lượng cửa hàng đủ lớn, tối thiểu phải có khoảng 150- 200 điểm bán thì mới đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận.

Thông thường, mỗi cửa hàng phải mất 5- 6 năm mới có thể hoàn vốn. Đồng thời, cần phải mở tối thiểu 300 cửa hàng mới đảm bảo có mức lợi nhuận ổn định. Trước khó khăn đó, một số đơn vị bán lẻ đã tính đến chuyện nhượng quyền để giảm chi phí và tối ưu hóa độ phủ cửa hàng.

Mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần hiện không còn phát triển ở thị trường trong nước do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Dự đoán các cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi vì khi mua sắm người Việt Nam hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn. Và chính các doanh nghiệp cũng bắt buộc phải có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. 

Tiến Minh