Đi xúc tiến thương mại không phải là chuyến du ngoạn
Cách làm xúc tiến thương mại của Việt Nam vẫn theo kiểu chi tiền tổ chức hội chợ, triển lãm, nhưng các doanh nghiệp cho rằng điều này không thiết thực bằng việc giúp họ xây dựng thương hiệu,...
Từ câu chuyện của mình, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (chè Cozy), chia sẻ dù có thâm niên xuất khẩu (XK) trong ngành chè, song tới nay, phần lớn sản lượng XK của công ty vẫn chủ yếu XK dưới thương hiệu của khách hàng, xuất thô, còn XK dưới thương hiệu chè Cozy chỉ chiếm 5%.
Đây không chỉ là khó khăn của thương hiệu chè Cozy mà là thực trạng chung của toàn ngành chè. Hiện nay, các DN chè cho biết trên kệ các siêu thị ở nước ngoài, người dùng ít khi bắt gặp hộp, gói chè nào mang thương hiệu “Made in Vietnam”.
Hàng Việt bị…mất tên
“Tại sao Việt Nam là nước XK chè tốp đầu thế giới, trong ruột của hộp, gói chè là chè của mình mà chúng ta lại không có tên. Có phải công tác xúc tiến thương mại có vấn đề?”, ông Tuân đặt câu hỏi.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, cho biết để nâng cao năng lực cạnh tranh, hàng hóa XK phải “đi thẳng”, chi phí vận chuyển giảm được ít nhất 10 USD/tấn, tuy nhiên đến nay hầu hết hàng hóa XK ở Cần Thơ vẫn “đi vòng”.
Trong chính sách xúc tiến thương mại (XTTM) có đề ra ưu tiên phát triển hạ tầng logistics phục vụ ngoại thương, tuy nhiên cả chương trình XTTM địa phương, quốc gia đều không nói tới điều này.
Bên cạnh đó, về xây dựng chỉ dẫn địa lý, ông Nam kiến nghị Nhà nước cần giúp DN chứ một mình DN không làm được. Chỉ dẫn địa lý Việt Nam tự công nhận “không ăn thua” mà phải nước ngoài chứng nhận. XTTM cũng ít nói đến vấn đề này.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tp.Cần Thơ cũng cho biết DN cần có thông tin về thay đổi chính sách nhập khẩu từ các thị trường một cách nhanh chóng, chứ không chờ tới khi họ ban hành, lúc đó DN mới loay hoay điều chỉnh sản xuất.
“Thị trường nào cũng đặt tiêu chuẩn nhưng nếu biết trước được thông tin, DN sẽ điều chỉnh thích ứng tốt hơn”, ông Nam nói.
Không chỉ tình trạng XK thô, thiếu thương hiệu, thông tin thị trường, thực tế báo cáo của Bộ Công Thương mới đây đánh giá mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng như sắn, cao su, thanh long… phụ thuộc vào một thị trường gần như duy nhất.
Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu tại thị trường nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập được như sữa, thịt lợn, rau quả.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, ví dụ với thị trường Hàn Quốc, nhờ FTA song phương, Hàn Quốc đã miễn thuế về 0% đối với 10.000 tấn tôm của Việt Nam mỗi năm, tuy nhiên chúng ta chỉ XK được 2.500 tấn/năm.
Australia nhập khẩu dừa bóc vỏ với kim ngạch 5 triệu USD mỗi năm, trong đó nhập của Thái Lan 3,7 triệu USD (chiếm 72,9%), Việt Nam chỉ chiếm con số khiêm tốn 192.000 USD (3,1%). Sản phẩm thuần Việt như cây lau nhà, Trung Quốc chiếm 81,7% thị phần, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 1,3%…
Hay với thị trường Bangladesh dân số 160 triệu người, nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa tiếp cận được như máy nông nghiệp, đường mía, bánh kẹo, sữa, kem… dù đây là những mặt hàng mà người tiêu dùng nước này rất ưa chuộng.
“Nghèo” cũng có cách
Trước những con số khiêm tốn về mức độ thâm nhập thị trường XK của hàng Việt, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác XTTM, xây dựng thương hiệu.
Trong đó, theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu việc bổ sung kinh phí cho các hoạt động XTTM, bởi kinh phí như hiện nay là quá hạn hẹp, không tương xứng với kim ngạch XK cũng như tiềm năng XK của Việt Nam và thua xa các nước trong khu vực.
Bộ Công Thương dẫn báo cáo từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy kinh phí dành cho XTTM của Việt Nam chỉ bằng 0,003% kim ngạch XK, bằng 1/10 so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới là 0,11% kim ngạch XK.
Đi đôi với việc tăng kinh phí dành cho XTTM, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác XTTM theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời như tổ chức hội chợ, triển lãm hay tham gia hội chợ, triển lãm.
Đồng thuận với quyết định giảm tỷ trọng của các hoạt động hội chợ, triển lãm, ông Nguyễn Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ XK Nguyễn Hoàng – một DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thời trang, chia sẻ: “XTTM là phải làm thương mại, nghiên cứu ít đi, không tổ chức đi hội thảo, triển lãm mang tính hình thức nhiều nữa”.
Ông Đoàn Anh Tuân cũng cho rằng nếu cứ tổ chức đoàn đi hội thảo ở nước ngoài sẽ không có tác dụng, một đoàn có nhiều thành phần cùng đi đã không còn hiệu quả.
Thay vào đó, ông Tuân hiến kế: như Sri Lanka chỉ làm một đoạn video chung giới thiệu về ngành chè, chứ không tập trung vào một DN cụ thể nhưng cách làm của họ khá thông minh, đây là bài học DN Việt nên làm. Từ trước đến nay, mỗi DN cứ tự xây dựng quảng bá sản phẩm của mình mà quên mất quảng bá thương hiệu cho ngành, cho quốc gia.
“Các DN đều cố gắng xúc tiến, xây dựng thương hiệu nhưng thiếu tầm nhìn và chiến lược quốc gia. Do vậy, đừng vội nói quốc gia mình nghèo, ít tiềm lực là không làm được thương hiệu, nghèo cũng có cách làm thương hiệu hiệu quả, miễn là biết cách sử dụng đồng tiền của mình cho hợp lý”, ông Tuân nói.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng XTTM không chỉ là tìm kiếm mặt hàng mà chính là việc gìn giữ hình ảnh, chất lượng và uy tín sản phẩm.
“Như vụ “cà phê phin lại thành cà phê pin”, vụ việc không chỉ gây bàn tán xôn xao mà đối với XK còn ảnh hưởng lớn, bôi bẩn hình ảnh cà phê Việt Nam.
Hay tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” không chỉ là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm trong nước mà còn là cái cớ giúp các nước dễ dàng truyền thông xấu về hình ảnh sản phẩm của Việt Nam”, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, ngăn chặn các sản phẩm bẩn trong nước cũng chính là cách để đẩy mạnh xúc tiến XK.