Triển vọng lạc quan của thuỷ sản Việt Nam tại ASEAN
Xuất khẩu thuỷ sản sang ASEAN có thể đạt 1 tỷ USD trong tương lai gần.
Hiệp hội chế biết và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong 20 năm qua, ASEAN là đối tác thương mại thủy sản lớn của Việt Nam và luôn là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu (XK) thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sang ASEAN đã tăng gấp 9 lần sau 23 năm trở thành viên của khối này. Cộng đồng gắn bó mật thiết về địa lý văn hóa, kinh tế hy vọng sẽ tạo ra một thị trường XK 1 tỷ USD trong tương lai gần.
Theo VASEP trong 20 năm qua, XK thủy sản của Việt Nam sang ASEAN có tốc độ tăng trưởng không ổn định, tuy nhiên có xu hướng ngày càng tăng trong 10 năm trở lại đây. Giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang ASEAN đã tăng từ mức 66 triệu USD năm 1998 lên 612 triệu USD năm 2017.
Tính đến hết năm 2017, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được XK sang cả 9 nước trong khối ASEAN. Trong đó, Thái Lan, Philippines và Singapore là 4 nước nhập khẩu (NK) nhiều nhất các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, chiếm từ 82 - 96% tổng giá trị XK thủy sản sang ASEAN.
Thái Lan là thị trường NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường trong 20 năm qua tăng liên tục, và đã tăng gấp 9 lần. Cụ thể, trong năm 1998 tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang đây chỉ đạt 27 triệu USD, chiếm 41% tổng giá trị XK thủy sản sang ASEAN. Nhưng đến năm 2017, giá trị XK thủy sản sang thị trường này đã tăng lên 248 triệu USD, tăng 816% so với năm 1998.
Philippines hiện đang là thị trường NK thủy sản lớn thứ 2. Không giống như Thái Lan, từ năm 1999 các sản phẩm thủy sản của Việt Nam mới tiếp cận được thị trường này. Và kể từ đó, XK thủy sản của Việt Nam sang Philippines tăng liên tục. Giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang Philippines trong 19 năm qua đã tăng từ 63 nghìn USD lên 132 triệu USD.
Singapore là thị trường NK thủy sản lớn thứ 3. Tuy nhiên, từ năm 1998 – 2016, Singapore luôn là thị trường có tỷ trọng lớn nhất nhì trong khối ASEAN. Nhưng từ năm 2011 – 2017, với tốc độ tăng trưởng liên tục, Thái Lan đã vượt qua Singapore trở thành thị trường NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Về sản phẩm, VASEP cho hay, hiện nay nhóm hải sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng XK thủy sản của Việt Nam sang ASEAN. Trong đó, cá biển là dòng sản phẩm XK chính của Việt Nam sang đây, tiếp đến là mực, bạch tuộc.
Từ năm 1998 – 2017, XK cá biển của Việt Nam sang ASEAN tăng liên tục. Giá trị XK tăng từ mức 8 triệu USD năm 1998 lên 289 triệu USD năm 2017. Cá biển tươi/đông lạnh là sản phẩm XK chủ lực sang đây.
Trong khi đó, từ năm 1998 – 2008, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang đây lại có xu hướng giảm. Nhưng từ năm 2009 – 2017, XK dòng sản phẩm này sang ASEAN lại tăng liên tục. Giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang ASEAN trong 20 năm đã tăng từ 7 triệu USD lên 71 triệu USD. Trong đó, mực khô, nướng, hay sấy ăn liền là sản phẩm XK chủ lực sang khu vực thị trường này, chiểm 85% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc sang ASEAN.
Cá tra là nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn thứ 2. Nếu những năm 1998 – 2001, XK cá tra sang ASEAN rất thấp, chỉ dừng ở con số vài trăm nghìn USD. Từ 2002 trở lại đây, do nhu cầu về thủy sản nuôi tại khu vực thị trường này ngày càng tăng, cộng với sự phát triển ngành ngày càng lớn của ngành cá tra Việt Nam, XK cá tra sang ASEAN liên tục tăng trưởng. Giá trị XK cá tra của Việt Nam sang ASEAN đã tăng từ 1,7 triệu USD năm 1998 lên 143 triệu USD năm 2017. Cá tra philê đông lạnh các loại mã HS0304 là sản phẩm XK chủ lực sang thị trường này.
Tôm là nhóm sản phẩm hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong tổng XK thủy sản sang thị trường ASEAN. Trong 20 năm qua, XK tôm sang khối thị trường này không ổn định, tăng giảm thất thường. Năm 2004 là năm thành công nhất của tôm Việt Nam tại thị trường ASEAN với 93 triệu USD. Những năm sau đó, XK tôm của Việt Nam cũng tăng nhưng chỉ ở mức tối đa 62 triệu USD.
Từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Ngành thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mới, các DN CBXK thủy sản có thể tận dụng và tranh thủ các cơ hội để tăng XK. AEC sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Có thể nói ASEAN là thị trường tiềm năng chưa được đầu tư nhiều. Do đó, các DN XK có thể cân nhắc việc mở rộng thị trường XK sang khối thị trường này, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính, VASEP nhấn mạnh.