Bảo hiểm nhân thọ Việt và "cuộc chơi" của những nhân tố ngoại
Hiện nay, so với quy mô dân số gần 100 triệu người thì thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam còn khiêm tốn.
Có thể thấy, sau khi các thị trường bảo hiểm nhân thọ khác tại châu Âu, Mỹ gần bão hòa thì các quốc gia mới nổi như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam... đang dần trở nên thu hút. Theo công ty tái bảo hiểm Swiss Re, các quốc gia Đông Nam Á, thị trường bảo hiểm đã tăng 41.9% từ năm 2010 đến 2015 về mặt tổng phí bảo hiểm, lên 59.5 tỷ USD. Trong cùng thời gian đó, thị trường Trung Quốc đã tăng 80% lên 386,5 tỷ USD - nhanh hơn nhiều so với Nhật Bản hay Mỹ.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có 18 doanh nghiệp, ngoại trừ Bảo Việt Nhân Thọ là doanh nghiệp Việt Nam, còn lại đều là những liên doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài, bao gồm sự hiện diện của những tập đoàn tài chính bảo hiểm hàng đầu trên thế giới.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, ông Philippe Donnet, Tổng Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm Generali Việt Nam cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác và phát triển.
“Với 10 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, Generali đánh giá đây là một trong những thị trường hấp dẫn với các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài. Với sự phát triển nhanh chóng và một môi trường kinh doanh ngày càng ổn định, minh bạch, điều này sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển hơn nữa của thị trường bảo hiểm nhân thọ", ông nói.
Có thể thấy, sự phát triển của các hộ gia đình trung lưu tại các quốc gia Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Khi mọi người mua những tài sản đắt tiền như nhà và xe hơi, nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ, nhà ở và bảo hiểm ô tô cũng tăng lên.
Số lượng người đăng ký chương trình bảo hiểm có xu hướng tăng song song với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Gia tăng thu nhập hộ gia đình cho phép mọi người để dành tiền cho tương lai, một phần trong số đó là bảo hiểm. Các hộ gia đình cũng có nhiều khả năng mua các tài sản tiền hơn, chẳng hạn như xe hơi, những tài sản mà họ sẽ có nhu cầu mua bảo hiểm phi nhân thọ.
Những thay đổi xã hội liên quan đến tăng trưởng kinh tế cũng ảnh hưởng đến ngành bảo hiểm nhân thọ. Một báo cáo của công ty kế toán PwC chỉ ra rằng đô thị hoá “nhiều khả năng gia tăng việc mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm niên kim và bảo hiểm lương hưu khi những người di cư vào thành phố phải trích lập dự phòng riêng cho tương lai thay vì dựa vào hỗ trợ của gia đình”.
Hơn nữa, trong một khu vực mà cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã khiến niềm tin vào các ngân hàng giảm sút đáng kể, bảo hiểm được xem như một phương tiện đầu tư, chứ không chỉ là biện pháp dự phòng cho tương lai. Các sản phẩm kết hợp bảo hiểm với đầu tư đang trở nên phổ biến ở các nước Đông Nam Á, mặc dù một số có lợi nhuận thấp hơn tiền gửi ngân hàng.
Mặt khác, các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ nước ngoài luôn có lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ trong vấn đề cải thiện trải nghiệm khách hàng. Generali Việt Nam đã triển khai GenClaims và GenVita, ứng dụng kết nối cộng đồng và gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, cũng như phản hồi hoặc trả lời những thông tin về bảo hiểm, sức khỏe, tài chính.
Mặc dù vậy, đánh giá từ Generali Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập thị trường của ngành bảo hiểm Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực, mới chỉ ở mức 2% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 5,5%, Singapore là 14%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn và hứa hẹn trong tương lai, thị trường này sẽ trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa đang tích cực cải tiến chất lượng để gia nhập sân chơi với các doanh nghiệp ngoại.