6 tháng đầu năm, thu 19,4 tỷ USD từ xuất khẩu nông sản

Tú Linh 29/06/2018 15:59

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6/2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Báo cáo cũng cho thấy, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỷ USD, tăng 13,1% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng khá

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỷ trọng và tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo, rau quả, điều và thủy sản. Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su), Trung Quốc (đối với rau quả, cao su,thủy sản), Đức (đối với chè, thủy sản, hạt điều), Malaysia (đối với gạo, chè), Iraq, Hồng Kông, Philippines (đối với gạo), Saudi Arabia (đối với chè), Mỹ (đối với hạt điều, rau quả, gạo), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu).

Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể, đối với mặt hàng lúa gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604.000 tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Với ngành hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 6/2018 ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ 2017.

Ngoài ra, trong tháng 6/2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 33.000 tấn với giá trị 300 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 6 tháng đầu năm ước đạt 176.000 tấn với giá trị 1,41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 732 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Những bất ổn thị trường

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 của các mặt hàng nông sản chủ lực khá tốt. Một số mặt hàng như rau quả, thủy sản vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực của năm 2017.

Một số mặt hàng đang có những dấu hiệu phát triển khởi sắc như gỗ, chè hướng đến chất lượng cao hơn và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó giá trị đồng Đô la Mỹ đang có xu hướng tăng lên, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu.

Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở lại và gây ra bất ổn thị trường và đặt ra những thách thức cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm 2018.

Đối với một số ngành hàng có những điểm cần lưu ý trong tháng tới. Trong đó, lúa gạo khó giữ giá ở mức cao như giai đoạn đầu năm do tình hình sản xuất lúa gạo thế giới tăng trưởng khá dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước có xu hướng giảm.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng lo lắng cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng, như việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại; Indonesia, Ấn Độ sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước... Để sống chung với bảo hộ thương mại, giải pháp tốt để tìm lối ra trong thời gian tới là phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.

Tú Linh