Xuất khẩu xoài sang Mỹ: Lắm nỗi gian truân
Hiện tại quả xoài của Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp Mỹ hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhập khẩu sang thị trường này.
Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới, nhưng số lượng xuất khẩu còn khiêm tốn và nằm ngoài top 10 nước xuất khẩu xoài.
Rộng cửa sang Mỹ
Thông tin được đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Mỹ - Stephen Censky, tại Thủ đô Washington D.C - Hoa Kỳ vào ngày 26/6 vừa qua.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp Mỹ- Stephen Censky cho biết, Mỹ đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để nhập khẩu trái xoài tươi từ Việt Nam. Kết quả này là nỗ lực của hai bên sau hơn nửa năm đạt được thoả thuận "đồng ý về nguyên tắc mở cửa thị trường cho sản phẩm của nhau".
Được biết, để vào được Hoa Kỳ, xoài Việt Nam phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản gồm, vùng trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và phải được cấp mã số (phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng); đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được Mỹ chứng nhận đáp ứng yêu cầu và được cấp mã số đóng gói; cuối cùng là nhà máy chiếu xạ phải được phía Mỹ chứng nhận.
Hàng năm Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, ví dụ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii cùng một lượng nhỏ tại bang California và Texas.
Như vậy, tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất lớn. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ mỗi năm chỉ được khoảng 3.000 tấn, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Với việc mở cửa thêm được thị trường Mỹ đã giúp nâng tổng số thị trường xuất khẩu xoài của Việt Nam lên con số 40. Trong đó, có nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Liên minh châu Âu (EU)…
Gian nan con đường xuất khẩu
Ông Đàm Quang Thắng - TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết, xoài Việt Nam nói chung có khả năng cạnh tranh rất tốt so với xoài các nước. Tuy nhiên, với thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn hoa quả tại Mexico, đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, tương ướng mức 1,5 tấn/năm. Đặc biệt, không riêng với xoài, Mexico nổi tiếng với nguồn hoa quả tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tại vấn đề của Việt Nam là chưa có chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại như một số nước để đưa trái xoài ra thế giới. Philippines có chiến lược phát triển xoài ra thị trường thế giới, là chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nông dân toàn quốc áp dụng, trồng giống xoài ngon nhất, đạt chuẩn thu mua giá cao gần gấp đôi so với không đạt GAP. Kết quả là quả xoài đã trở thành “quốc quả” của Philippines, xuất khẩu sang nhiều nước. Thái Lan cũng triển khai chương trình GAP trên xoài với mục tiêu xuất qua Nhật, Úc…
Đối với xoài Việt Nam, người dân chỉ trồng chuyên canh tại một số địa phương, còn lại 95% diện tích xoài là vườn cây hỗn hợp (trồng chung với cây khác). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, tuy sản lượng xoài đạt khá hơn nhưng xoài cùng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng rất ít nên chỉ tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu không đáng kể.
Ngoài ra còn có thực trạng cây giống kém, trồng quản canh nên chất lượng không cao. Một hạn chế nữa là canh tác xoài hiện nay còn sử dụng nhiều phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ. Thuốc bảo vệ thực vật dùng rất nhiều loại và rất đa dạng, nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun.
Từ thực tế trên, TGĐ Công ty TNHH Agricare Việt Nam thẳng thắn nhận định, để thực sự “chen chân” được vào thị trường khó tính hàng đầu thế giới này, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý bởi tại Mỹ là tiêu chuẩn chiếu xạ, sản phẩm xoài Việt sẽ phải đáp ứng đầy đủ hàng rào kỹ thuật này.