Khó xảy ra chiến tranh thương mại
Mỹ và các đối tác kinh tế, thương mại sẽ hết sức kìm chế, không để xảy ra chiến tranh thương mại, cho dù bề ngoài họ tỏ ra sẵn sàng chấp nhận điều này.
Từ ngày 1/6 vừa qua, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của EU nhập khẩu vào Mỹ, và EU cũng đáp trả lại bằng danh sách những hàng hoá của Mỹ chịu thuế từ ngày 22/6. Đối với Trung Quốc, Mỹ áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa, trong đó có 34 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế từ ngày 6/7, và Trung Quốc cũng đã trả đũa Mỹ bằng gói thuế tương tự...
Mới chỉ dừng lại xung đột
Trên thực tế, người ta phân loại 3 cấp độ từ thấp đến cao, đó là tranh chấp thương mại, xung đột thương mại và chiến tranh thương mại. Trong đó, tranh chấp thương mại có thể dễ dàng nhận diện được, nên cũng dễ dàng có thể giải quyết được.
Tranh chấp thương mại xảy ra ở quy mô nhỏ, trong từng vụ việc cụ thể và có tác động rất hạn chế. Trong khi đó, xung đột thương mại diễn ra trên bình diện rộng lớn hơn, với mức độ quyết liệt hơn và được tiến hành bài bản hơn. Chẳng hạn như ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm, hàng hoá của các đối tác và bị các đối tác này đáp trả lại ở mức độ tương tự.
Tuy nhiên, nếu ông Trump lại đáp trả lại các biện pháp trả đũa của các đối tác bằng những quyết sách mới như mở rộng phạm vi và gia tăng mức độ áp dụng những biện pháp thuế quan bảo hộ thương mại và trừng phạt thương mại khiến các đối tác tiếp tục đáp trả, cứ như thế leo thang hết vòng xoáy này đến vòng xoáy khác thì sẽ dẫn đến chiến tranh thương mại.
Về tính chất, chiến tranh thương mại là mức độ quyết liệt cao nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh khác của các mối quan hệ song phương, khiến cho các mối quan hệ này từ bình thường trở nên không còn bình thường nữa. Về định lượng, chiến tranh thương mại liên quan đến tổng kim ngạch thương mại của quốc gia, chứ không chỉ của một hay một vài ngành riêng lẻ. Từ đó có thể thấy được rằng chiến tranh thương mại luôn là chuyện “tày đình” đối với quốc gia và thế giới, có thể tác động mạnh mẽ không chỉ tới các cặp quan hệ song phương mà còn tác động vượt ra ngoài khuôn khổ của quan hệ song phương.
Từ phân tích trên cho thấy, những căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada, Mexico... mới chỉ là xung đột thương mại.
Sự kìm chế của các bên
Điều đáng chú ý là, ông Trump tỏ ra không hài lòng khi bị các quốc gia nói trên trả đũa và càng quyết tâm thực thi thêm nữa những biện pháp bảo hộ thương mại khác.
Ông Trump doạ sẽ áp thuế quan bảo hộ cao đối với ô tô từ EU xuất khẩu sang Mỹ, trị giá cũng vài trăm tỷ USD. Với Trung Quốc, ông Trump cũng dự kiến áp thuế quan bảo hộ thương mại thêm 200 hoặc thậm chí 400 tỷ USD nữa. Còn đối với Canada và Mexico, ông Trump doạ sẽ ngừng đàm phán lại về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trung Quốc không thể “ăn miếng trả miếng” Mỹ bằng áp thuế quan bảo hộ vì Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ bằng một phần ba Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tức là Trung Quốc phải vận hành chính sách khác.
Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục ăn miếng trả miếng Mỹ, trong khi EU tuyên bố đã sẵn sàng "trừng phạt" Mỹ thêm gần 300 tỷ USD. Nếu những lời đe doạ này được các bên thực hiện thật sự, thì chiến tranh thương mại sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, những lời đe dọa nói trên đều nhằm mục đích nhắc nhở Mỹ và các đối tác phải kiềm chế, chứ không được quá đà. Xưa nay, Mỹ luôn thua trong những lần tuyên chiến thương mại với các đối tác bên ngoài. Một mình đối địch với cả thế giới bên ngoài như thế, ông Trump không thể thắng được trong chiến tranh thương mại và những hiệu ứng dân tuý đối nội nhất thời đối với ông Trump không thể bù đắp được những thiệt hại về lâu dài đối với nước Mỹ. Ông Trump cuồng tín về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thật đấy, nhưng vẫn đủ thực dụng đến mức ý thức được rằng, chính chủ nghĩa bảo hộ ấy là con dao hai lưỡi.
Dù các đối tác của Mỹ giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, thì cũng không thể tránh khỏi bị tổn hại nặng nề. Trung Quốc không thể “ăn miếng trả miếng” Mỹ bằng áp thuế quan bảo hộ vì Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ bằng một phần ba Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tức là Trung Quốc phải vận hành chính sách khác. EU bị phân rẽ nội bộ và như thế càng ngày càng thêm bị bất lợi. Bởi vậy, Mỹ và các đối tác thương mại sẽ kìm chế, không để xảy ra chiến tranh thương mại.