Giá bán lẻ xăng dầu sẽ thế nào nếu tăng thuế môi trường?
Nếu phương án tăng thuế môi trường được chấp thuận, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng lên đáng kể.
Dự kiến ngày mai (12/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Đáng chú ý, UBTVQH sẽ thảo luận phương án có hay không điều chỉnh thuế BVMT với xăng dầu.
Theo tờ trình được Bộ Tài chính (thừa ủy quyền của Chính phủ) gửi đến UBTVQH, dự kiến thuế BVMT đối với xăng khoáng sẽ tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut tăng từ 900 lên 2.000 đồng/lít. Các mức thuế này đều kịch trần với khung thuế BVMT hiện hành.
Nếu phương án này được chấp thuận, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng lên đáng kể. Nếu căn cứ theo giá xăng dầu ngày 11/7, giá xăng RON 95-III sẽ từ 21.170 lên 22.170 đồng/lít sau khi tăng thuế BVMT. Dầu diesel từ 17.450 lên 17.990 đồng/lít; dầu hỏa từ 16.240 lên 17.940 đồng/lít.
Bộ Tài chính lý giải, các nghị quyết của UBTVQH về mức thuế BVMT đã được triển khai tốt, góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức về môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm. Các nghị quyết còn đảm bảo ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia khi cắt giảm thuế nhập khẩu trong quá trình hội nhập… “Dòng thuế này cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, tổng số thu từ thuế BVMT vào khoảng trên 150.000 tỉ đồng, bình quân hơn 25.000 tỉ đồng/năm” - Bộ Tài chính nêu.
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện thấp hơn các nước có chung đường biên giới và các nước trong khu vực ASEAN. Tính trên toàn thế giới thì giá xăng dầu ở Việt Nam thấp hơn 120 nước. Các mặt hàng nằm trong diện đề nghị điều chỉnh thuế BVMT như xăng dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nylon… đều có thể gây ô nhiễm môi trường ở nhiều mức độ khác nhau. “Vì vậy, việc điều chỉnh thuế BVMT lần này vẫn khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm hàng hóa gây tác hại môi trường, đồng thời khuyến khích việc sử dụng những hàng hóa thân thiện với môi trường góp phần BVMT” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thuế BVMT đối với xăng được tăng kịch khung, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỉ đồng/năm, tăng 14.368 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 do Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, nêu quan điểm của bộ này về việc tăng thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng như phương án mà Bộ Tài chính nêu.
Theo ông Hải, trong sáu tháng qua, giá xăng khoáng đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã và đang dùng quỹ bình ổn giá để kìm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng. Thời gian vừa qua, xăng dầu liên tục được sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá. Xăng dầu cũng là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất, kinh doanh và cả tiêu dùng. Việc tăng thuế như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất và đời sống người dân” - ông Hải nêu quan điểm.