"Cởi trói" khuyến mãi cho thuê bao trả trước để phù hợp thị trường?

Song Nhi 15/07/2018 05:38

Các nhà mạng đang kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi không quá 20% với thuê bao trả trước để... phù hợp kinh tế thị trường.

Từ tháng 3, các nhà mạng chỉ còn được phép khuyến mãi không quá 20% cho khách hàng trả trước khi nạp thẻ cào đã khiến người dùng bớt hào hứng nạp thẻ và thị trường thẻ cào cũng trầm lắng. Các nhà mạng cho rằng quy định này chưa theo kịp kinh tế thị trường và cần thay đổi để giúp người dùng hưởng lợi nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp được dỡ trần khuyến mại 50%

    Doanh nghiệp được dỡ trần khuyến mại 50%

    06:13, 26/05/2018

  • Quy định mới về hoạt động khuyến mại

    Quy định mới về hoạt động khuyến mại

    23:56, 24/05/2018

  • Hạn mức khuyến mại không quá 20%: Không thể

    Hạn mức khuyến mại không quá 20%: Không thể "triệt tiêu" sim rác

    12:48, 05/03/2018

Các mặt hàng khác được... bỏ trần khuyến mãi

Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP mà Chính phủ mới ban hành quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp được phép khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây.

Cụ thể, Nghị định 81/2018/NĐ-CP, ban hành 22/5/2018, quy định hạn mức khuyến mại, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ như sau: Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mãi, giảm giá) thì được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Hạn mức khuyến mãi, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mãi trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.

Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi trước thời gian khuyến mãi.

Cũng theo Nghị định 81, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mãi giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định, chương trình khuyến mãi phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Các thương nhân thực hiện Chương trình khuyến mãi phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết các khiếu nại (nếu có) liên quan đến chương trình khuyến mại và có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi.

Việc thực hiện khuyến mãi phải đảm bảo: Không đưa ra điều kiện để khách hàng được hưởng khuyến mãi là phải từ bỏ, từ chối hoặc đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức khác; và không có sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.

Doanh nghiệp viễn thông cũng mong muốn được "cởi trói"

Chính vì vậy, trong văn bản khiến nghị, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, văn bản quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường, ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%. “Tôi e rằng, cơ sở pháp lý của quy định này chưa phù hợp. Ở nước ngoài vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định”, ông Trần Mạnh Hùng lý giải.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, các chính sách vĩ mô đã ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh và môi trường viễn thông, trong đó có quy định khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước, hạn chế thanh toán qua thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số…

Về quy định này, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích, cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.

Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, vì sử dụng thuê bao trả trước xuất hiện nhiều tin nhắn rác. Áp dụng quy định này, khách hàng sẽ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, khi đó quyền lợi của khách hàng không đổi.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp báo cáo số lượng thuê bao chuyển đổi từ trả trước sang trả sau để Bộ có cơ sở báo cáo về kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước.

Trước đó, khi nhìn nhận vấn đề này, trả lời Diễn đàn doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà là Chủ tịch SBLAW cho rằng: “chủ thuê bao trả trước hay chủ thuê bao trả sau đều là khách hàng, là người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ của nhà mạng, đều phải đăng ký thông tin, đều phải trả tiền để sử dụng dịch vụ, họ đều phải được đảm bảo quyền lợi công bằng theo quy định của pháp luật".

Mặt khác theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ: "Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật”, ông Hà nói.

Theo khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại, Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại. Hướng dẫn quy định này, Điều 5 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là mức 50%.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; nghiêm cấm ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Khoản 2 Điều 156 tại luật này cũng quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, cần phải kiểm tra, rà soát lại quy định của Thông tư 47/2017/TT-BTTTT về việc đưa ra hạn mức khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao di động trả trước.

Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp pháp. Thông tư không thể quy định “vượt rào” và "giảm thiểu" so với quy định của nghị định và của luật.

Song Nhi