Nền tảng điện toán đám mây mạnh sẽ là nền móng phát triển của cách mạng 4.0
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đạt 41/100 điểm và trở thành nước đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng về độ phủ dịch vụ Cloud. Điều này cho thấy mô hình Cloud đang trở nên phổ biến và bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với mô hình CNTT truyền thống. Trong tương lai, việc ứng dụng mô hình này tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tăng mạnh và đa dạng hơn.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam là nước có nhịp độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của cả khối ASEAN (49,5%). Điều này cho thấy mô hình Cloud đang trở nên phổ biến và bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với mô hình CNTT truyền thống.
Tại hội thảo chuyên đề dành cho giới truyền thông với chủ đề “Điện toán đám mây, nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0”. Ông Tiến Dũng giám đốc Viettel IDC đã trình bày về những điểm tổng quan của xu thế điện toán đám mây trên thế giới, ở Việt Nam, và những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước chưa thể đưa hệ thống công nghệ thông tin của mình lên “đám mây”. Đây là một yếu tố quan trọng cho việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khi nói về cách mạng 4.0 người ta thường nói về 4 công nghệ: Cloud (điện toán đám mây), IoT (Internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo). Trong số này, Cloud là nền tảng ở dưới cùng, bất kỳ một ứng dụng nào về AI, IoT hay Big Data đều cần có hạ tầng ở bên dưới là Cloud thì mới chạy được.
Ông Tiến Dũng nhấn mạnh, Cloud giống như móng nhà cho cách mạng 4.0. Vì thế, Viettel quyết định đầu tư mạnh cho điện toán đám mây không chỉ để phục vụ cho nhu cầu đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 của mình, mà mong muốn tạo ra một hạ tầng 4.0 cho xã hội nói chung như Viettel đã làm trong lĩnh vực viễn thông. Một nền tảng điện toán đám mây mạnh sẽ là hạ tầng cơ bản cho sự phát triển của cách mạng 4.0 ở Việt Nam trong vài năm tới.
Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam con rất thấp 1,7 USD/năm 2016; thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.
Con số chi tiêu dành cho điện toán đám mây tại Việt Nam cho thấy nhu cầu còn rất lớn cho lĩnh vực này trong tương lai bởi những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Theo khảo sát và đánh giá của Viettel IDC, khi sử dụng dịch vụ Private Cloud, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 40% chi phí đầu tư ban đầu, giảm từ 4 - 6 tuần triển khai và loại bỏ hoàn toàn chi phí nhân sự vận hành bảo trì hệ thống so với việc tự đầu tư tại doanh nghiệp.