Nhà đầu tư ngoại "tranh thủ" tấn công thị trường tiêu dùng mẹ và bé
Con Cưng với doanh thu nghìn tỷ đang vướng vụ bê bối về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm có thể gây khủng hoảng kinh doanh không thua gì Khaisilk. Nhà đầu tư ngoại không bỏ lỡ cơ hội này...
Tính đến hôm nay 24/7, trước khiếu nại và nghi ngờ của khách hàng tại TP.HCM về việc chuỗi siêu thị Con Cưng có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ khác để lừa dối người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã tiếp tục đồng loạt kiểm tra 67 siêu thị,cửa hàng bán lẻ của Con Cưng trên địa bàn TP.HCM vào hôm 23/7 và nâng điểm kiểm tra 70 siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong tổng số trên 100 siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Con Cưng tại TP.HCM.
Cơ quan chức năng cho biết sẽ tổng kiểm tra hàng loạt siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Con Cưng trên toàn quốc. Hiện Con Cưng, đơn vị trước đó nằm trong hệ sinh thái Seedcom -một tổ chức đầu tư chuyên góp vốn hậu thuẫn khởi nghiệp và nay đang được Daiwa cùng SSIAM -Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam đầu tư, có tới 118 siêu thị , cửa hàng bán lẻ tại TP HCM và đạt tới tổng số 346 điểm bán trên toàn quốc. Tuy nhiên, TP HCM vẫn là thị trường trọng điểm của Con Cưng và cũng là nơi "ngòi nổ" khiếu nại về mập mờ nhãn mác, xuất xứ, chất lượng sản phẩm trên sản phẩm của Con Cưng được châm ngòi, dẫn đến khủng hoảng đang được cả đông đảo người tiêu dùng và cộng đồng kinh doanh Việt Nam quan tâm.
Hiện chưa có kết luận sau cùng của cơ quan chức năng, tuy nhiên, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương, cho hay: Qua kiểm tra bước đầu phát hiện nhiều sai phạm tại hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị của Con Cưng.
Trong khi Con Cưng đang phải hứng chịu búa rìu dư luận, chịu thiệt hại trước mắt khi thu hồi 6.000 sản phẩm của một lô hàng không đạt yêu cầu trên toàn hệ thống và tiếp tục chịu thanh kiểm tra toàn diện của cơ quan chức năng, trưng ra những giấy tờ bằng chứng xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mà theo dư luận chưa hoàn toàn thuyết phục, thì nhiều nhà đầu tư ngoại đã nhanh chân quyết không bỏ lỡ cơ hội này.
Theo ghi nhận ban đầu, trong hai tuần cuối tháng 7, ngay sau khi Mega Sale 2018 - ngày hội mua sắm cho mẹ bầu, mẹ và bé do webtretho tổ chức diễn ra sôi động với hàng trăm nhãn hàng nội ngoại trên thị trường TP HCM tham gia vào 20-22/7/2018 vừa qua, thị trường tuần này sẽ còn có thêm những hội thảo và kết nối doanh nghiệp, phân phối có hạng mục chuyên sâu về sản phẩm mẹ và bé đến từ nước ngoài.
Hai trong số đó, đáng chú ý:
Thứ nhất, là chương trình kết nối doanh nghiệp do JETRO tổ chức nhằm kết nối 34 doanh nghiệp Nhật với các doanh nghiệp Việt Nam. Hạng mục sản phẩm thực phẩm cho bé, sữa bột và bánh kẹo được xem là ưu tiên 1 trong chương trình. Theo đánh giá của JETRO, Việt Nam được xem là thị trường xuất khẩu nhiều triển vọng của thực phẩm Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tuy giảm 6,4% ở các mặt hàng thủy sản ngoài cá (sò điệp, mực, các lại sò ) so với năm trước , nhưng năm 2017 các mặt hàng chế phẩm từ sữa dành cho em bé, hay các loại cá ngừ đã hỗ trợ lại cho hàng thủy sản và làm kim ngạch tăng mạnh vượt 22,4 % so với năm trước. Ngoài ra, là nước đông dân thứ 3 trong ASEAN, tăng trưởng kinh tế cao hằng năm, Việt Nam ý thức về tính an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, do đó nhu cầu với thực phẩm Nhật Bản – thực phảm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe ngày càng tăng.
Mở rộng trên thị trường, nhìn chung đây không phải là thời khởi điểm người Việt mới ưa chuộng sản phẩm "ngoại" đặc biệt là thực phẩm Nhật Bản. Các mẹ bầu, bà mẹ chăm con Việt Nam hẳn đều từng nghe qua hoặc quan tâm đến sữa bột Meiji Nhật - một thương hiệu từng làm mưa làm gió ở thị trường tiêu dùng đông dân nhất thế giới Trung Quốc, đồng thời hiện vẫn đang được các bà mẹ Việt săn lùng và chọn mua ở siêu thị, cửa hàng bán lẻ, xách tay, qua các trang online thương mại điện tử nhậ" hàng Nhật...
Thứ hai, một sự kiện đến từ Đài Loan: Hội thảo chuyên sâu và kết nối kinh doanh ngành hàng mẹ và bé của các nhãn hàng Đài Loan tại Việt Nam diễn ra vào cuối tuần này (27/7/2018) tại TP HCM. Được biết, sẽ có 15 nhà cung cấp Đài Loan ở 5 nhóm sản phẩm chăm sóc bé, làm sạch khử trùng, chăm sóc sức khỏe và làm vệ sinh cho bé, đồ chơi cho bé, chăm sóc mẹ bầu và bé sơ sinh được các doanh nghiệp giới thiệu, tìm đối tác phân phối.
Có vẻ khủng hoảng của một doanh nghiệp lớn trên thị trường, luôn là cơ hội lớn cho những nhà kinh doanh cùng ngành chen chân. Con Cưng chưa biết có đi đến bước đường "lặn vô tăm tích" như Khaisilk bởi cùng 1 nguyên nhân dẫn đến cơn thịnh nộ của người tiêu dùng khi cảm thấy bị lừa dối về nguồn gốc xuất xứ - chất lượng sản phẩm hay không, nhưng với vị thế Nhật Bản, Đài Loan là những nước, vùng lãnh thổ đi đầu về sản phẩm chăm sóc sức khỏe người dân và chất lượng uy tín sản phẩm, thì khi chọn thời điểm tiếp cận thị trường dù vô tình hay hữu ý mà rất "hợp thời", chắc chắn sẽ mang đến thêm nhiều cơ hội cho người Việt tiếp cận những sản phẩm chất lượng mới. Các doanh nghiệp cùng ngành hàng sản xuất sản phẩm chăm sóc mẹ và bé made in Việt Nam liệu có nhìn thấy cơ hội này? Cũng như, các đối tác phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp Việt sẽ rút ra được những bài học để đời, để tránh dẫm vào đường lầy kinh doanh gian dối?