Xuất khẩu tôm lạc quan với 4 tỷ USD trong năm 2018
Với nhu cầu nhập khẩu (NK) bắt đầu tăng trong nửa cuối năm nay, giá tôm trong nước và thế giới ổn định trở lại VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay đạt khoảng 4 tỷ USD.
Lạc quan với 4 tỷ USD
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASPE) cho biết, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam quý II/2018 đạt hơn 893 triệu USD, giảm 4,9% do biến động giá tôm trong nước và thế giới. Tuy nhiên, nhờ đà tăng trưởng 20% trong quý I nên XK tôm Việt Nam 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng nhẹ 5,1% đạt 1,6 tỷ USD. Với nhu cầu nhập khẩu (NK) bắt đầu tăng trong nửa cuối năm nay, giá tôm trong nước và thế giới ổn định trở lại VASEP dự báo XK tôm Việt Nam năm nay đạt khoảng 4 tỷ USD.
Sau khi tăng trong quý I, XK tôm trong quý II/2018 giảm nhẹ. Bắt đầu từ tháng 4, XK tôm đạt 275,2 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 5 XK đạt 309,9 triệu USD, giảm 5,7%; tháng 6 XK đạt 308,2 triệu USD, giảm 7,8%.
XK tôm giảm trong quý II được cho là giá tôm trên thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng, các nhà NK yêu cầu giảm giá, ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu và giá trị XK tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu NK của các thị trường chính chưa cao do còn tồn kho.
Trong quý II, giá tôm của hầu hết các nước sản xuất tôm chính đều giảm. Giá tôm chân trắng nguyên liệu của Việt Nam giảm từ 20-30% từ tháng 4 đến giữa tháng 6. Giá tôm Thái Lan và Ấn Độ đều giảm mạnh trong suốt tháng 4 và 5. Giá tại đầm tôm chân trắng cỡ 120 con/kg của Trung Quốc trong tuần đầu tháng 7 cũng giảm xuống mức thấp 5 năm đạt 4,30 USD/kg.
6 tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm vị trí chủ đạo 67,2% trong cơ cấu sản phẩm tôm XK. Tiếp đó tôm sú chiếm 23,7%, còn lại tôm biển chiếm 9,1%.
Tính tới tháng 6 năm nay, XK tôm chân trắng tăng 14% trong khi XK tôm sú giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK tôm chân trắng chế biến và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh đều tăng lần lượt 21% và 9% trong khi XK tôm sú chế biến và tôm sú sống/tươi/đông lạnh đều giảm, lần lượt 18% và 5%.
Tìm động lực tăng trưởng
Tốc độ tăng trưởng chững lại trong 6 tháng đầu năm nay do XK sang các thị trường chính sụt giảm như Nhật (-11,2%), Trung Quốc (-13,2%).
Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong nửa đầu năm nay giảm 7,5% sau khi đã giảm 7% trong cả năm 2017, một trong những nguyên nhân chủ yếu là thuế chống bán phá giá tăng cao. Cụ thể, Mỹ áp thuế sơ bộ 25,39% đối với tôm Việt trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu tôm nấu chín sang Úc thêm rào cản
01:02, 09/07/2018
"Cửa" mới để tăng xuất khẩu tôm
03:45, 02/07/2018
Triển vọng xuất khẩu tôm nguyên con của Việt Nam sang Australia
05:55, 06/04/2018
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc nhiều triển vọng
03:46, 25/10/2017
Đến cuối tháng 4, tôm chính thức được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa vào Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP). Theo đó, đến ngày 31/12/2018, các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng cuối năm sẽ là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ vì theo thống kê từ năm 2015 đến nay, khối lượng nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường này luôn tăng mạnh sau tháng 6.
Ngoài thị trường Mỹ, thị trường EU được VASEP đánh giá là khá ổn định với tốc độ tăng trưởng tốt 38% và đây là động lực chính giữ đà tăng trưởng XK tôm trong 6 tháng đầu năm nay. XK tôm Việt Nam sang EU trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay đều tăng trưởng dương. 6 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 405,6 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường NK chính trong khối (Hà Lan, Anh, Đức) đều tăng trưởng 2 con số lần lượt 74%, 23% và 53%.
XK tôm Việt Nam sang EU trong nửa đầu năm nay duy trì được đà tăng trưởng cao nhờ ưu đãi về thuế, Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường này) gặp khó trong hoạt động XK tôm sang EU và những cơ hội "hứa hẹn" cho hoạt động XK của Việt Nam từ Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA chuẩn bị có hiệu lực.
Nhận định về tính khả quan của con số 4 tỷ USD xuất khẩu tôm, “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, vẫn thừa nhận: Với tình hình khó khăn chung của thị trường thế giới, xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể đạt được con số 4 tỉ USD. Còn những mục tiêu dài hạn hơn thì phải đợi thời gian trả lời.
Còn theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, chúng ta cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, hiện kỹ thuật sản xuất con giống của Việt Nam có thể xem là yếu nhất thế giới. Nó làm cho tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi rất cao, đến 70 - 80%. Các mô hình nuôi tôm rừng (tôm sinh thái) không có giống tốt ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nuôi tôm công nghiệp của Việt Nam chưa khi nào vượt quá con số 15%. Về cách quản lý, chúng ta siết đầu ra để đáp ứng yêu cầu thị trường mà không quản lý được đầu vào, nên cũng rất khó… Trong khi đó, tiêu chuẩn về tồn dư hóa chất, kháng sinh từ các nước nhập khẩu giờ không còn là phần nghìn, phần triệu mà nó tiến tới giá trị phần tỉ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khắc phục những điểm yếu nêu trên cần tăng cường xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam thay vì vẫn sản xuất gia công cho các nhà nhập khẩu như trước giờ.