Nới vòng "kim cô" khuyến mại và nguy cơ "cá lớn nuốt cá bé"
Các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho đợt khuyến mãi "khủng" đầu tiên được nhà nước cho khuyến mãi đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ dịp 2-9 tới.
Doanh nghiệp thoát "vòng kim cô"
Nghị định 81 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại vừa có hiệu lực từ ngày 15/7, cho phép doanh nghiệp (DN) được khuyến mãi đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ thay vì mức trần 50% như trước. Quy định 50% được ví như “vòng kim cô” suốt 10 năm qua.
Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế, nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua. Quy định này là “vòng kim cô” bó buộc doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn, trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi.
Trên thực tế, nhiều ngành nghề như công nghệ thông tin hay thời trang… các sản phẩm, mẫu mã liên tục thay đổi. Thế nhưng, nếu như doanh nghiệp muốn bán hàng tồn kho của mình với giá rẻ hơn 50% để xả hết hàng thì cũng không được, bởi “quy định không cho phép”.
Các chuyên gia cũng cho rằng quy định về mức trần giảm giá hiện nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mại có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt khi một doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mại để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Mặt khác, mức trần khuyến mại còn cản trở khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp, hạn chế tính linh động của thương nhân trong việc chấm dứt kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực khác.
Chính vì những lý do đó, việc Nghị định 81 có hiệu lực khiến nhiều doanh nghiệp vô cùng hồ hởi.
Theo thông tin trên báo Người lao động, nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị cho sự bùng nổ trong dịp lễ 2/9. Các doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp lẫn chuyên ngành ở TP.HCM đều cho biết sẽ dành nhiều bất ngờ cho khách hàng trong lần đầu tiên được khuyến mại kịch trần. Tuy nhiên, cũng do lần đầu nên các doanh nghiệp sẽ thận trọng, vừa làm vừa thăm dò thị trường và phản ứng của khách hàng.
Các hệ thống bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op sẽ tập trung giảm giá sâu một số mặt hàng chiến lược. Saigon Co.op sẽ hợp tác với một số đơn vị cung cấp những mặt hàng đang tiêu thụ mạnh để chủ động có chính sách giá tốt nhất. Trong khi đó, hệ thống Big C, Lotte Mart, Aeon… cũng đã có sự chuẩn bị.
Việc nới trần khuyến mại lên 100% dù giới hạn trong một số thời điểm, sự kiện nhưng được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và gia tăng lợi ích cho khách hàng.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo các doanh nghiệp, các hình thức khuyến mại có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, khi một doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mại để khách hàng biết đến, thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc cấm giảm giá quá 50% suốt thời gian qua gây cản trở cho doanh nghiệp rất nhiều. Mức trần khuyến mại theo quy định cũ còn cản trở khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp, hạn chế tính linh động của thương nhân trong việc chấm dứt kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực khác.
Có thể bạn quan tâm
"Cởi trói" khuyến mãi cho thuê bao trả trước để phù hợp thị trường?
05:38, 15/07/2018
NAPAS bắt tay 34 ngân hàng khuyến mại cho chủ thẻ
08:28, 12/07/2018
Hàng chục nghìn giải thưởng khuyến mãi hè của Tân Hiệp Phát đã đến với khách hàng
10:00, 30/06/2018
Doanh nghiệp được dỡ trần khuyến mại 50%
06:13, 26/05/2018
Mặc dù vậy, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng tỏ ra băn khoăn xung quanh quy định cho khuyến mại lên mức 100% giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong các chương trình khuyến mãi tập trung. Theo họ, trong bối cảnh khuyến mại được thực hiện quanh năm thì sứ mệnh kích thích tiêu dùng của cơ quan Nhà nước (cấp Trung ương và tỉnh) bằng cách chủ trì các chương trình khuyến mại tập trung trong một khoảng thời gian nhất định (theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa) không còn. Chưa kể, các địa phương lân cận sẽ đua nhau tổ chức sự kiện khuyến mại thì doanh nghiệp lại gặp khó trong khâu lựa chọn địa điểm, vì không một nhà sản xuất hay phân phối nào chỉ hoạt động ở một địa bàn, một tỉnh, thành…
Một số doanh nghiệp khác thì lo ngại, ngân sách cho khuyến mại sẽ đội lên do có thêm áp lực cạnh tranh từ những đợt giảm giá tập trung cũng như tác động từ mặt trái của công cụ này. Các doanh nghiệp vốn lớn, muốn thâu tóm thị trường có thể tận dụng những cơ hội xả hàng 100% để lôi kéo người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op nhận định: "Doanh nghiệp có thể khuyến mại đến 100% nhưng nếu bán dưới giá vốn sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Quan trọng là cơ quan chức năng phải kiểm soát được giá đầu vào của đơn vị bán hàng và có chế tài đủ sức răn đe".
Cũng theo ông Huy, trong ngắn hạn, cuộc chiến bán lẻ sẽ không có nhiều thay đổi nhưng về lâu dài, công cụ khuyến mại 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ sẽ góp thêm nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp vốn lớn.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, tính về số lượng, mỗi điểm bán trong chuỗi bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại có doanh số gấp 5-7 lần siêu thị của Việt Nam.
Vì lẽ đó, trong cuộc cạnh tranh khuyến mại 100%, sức ép từ các doanh nghiệp ngoại đối với doanh nghiệp nội là rất lớn.