Thời trang Việt ngày càng "chật chội"
Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu ngoại như Zara, H&M, Uniqlo,... đẩy cánh cửa thời trang với doanh nghiệp nội cao hơn, hẹp hơn.
Điểm đến của các "cá mập"
H&M vừa đánh dấu tròn 1 năm còn Zara cũng vừa kỷ niệm 2 năm hiện diện tại Việt Nam.
Với Zara, hai năm trước hãng thời trang này đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP HCM. Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa tại Indonesia. Ngoài ra Zara, năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của Mitra Adiperkasa ghi nhận doanh thu 592,8 tỷ Rupiad, tương đương gần 930 tỷ đồng từ mảng kinh doanh tại Việt Nam, trong số này chủ yếu là doanh thu từ Zara. Do đó, Việt Nam hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của tập đoàn phân phối sản phẩm thời trang của Indonesia.
"Chào hàng" sau Zara 1 năm, H&M cũng ra mắt cửa hàng đầu tiên. Đến nay, H&M hiện có 4 cửa hàng tại Việt Nam và sắp khai trương thêm 2 cửa hàng ở cả Hà Nội và TP HCM. Theo báo tài chính 6 tháng (giai đoạn 1/12/2017 – 31/5/2018) của H&M, thị trường Việt Nam đem về cho hãng thời trang Thụy Điển doanh thu 127 triệu SEK, tương đương hơn 325 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày, người Việt chi khoảng 1,8 tỷ đồng để mua quần áo thương hiệu này.
Theo ông Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á nhận định: "2017 là một năm thật tuyệt vời với H&M tại Việt Nam. Là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”.
Cuộc canh tranh ở phân khúc tầm trung này dự kiến còn nóng hơn thời gian tới bởi Uniqlo – ông lớn thời trang Nhật cũng vừa thông báo sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm sau với cửa hàng đầu tiên được mở tại TP HCM. Hiện tại, trên các trang tuyển dụng đang xuất hiện thông tin Uniqlo tuyển vị trí quản lý cửa hàng.
Ông Tadashi Yanai - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo cho biết: "Khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với chúng tôi. Uniqlo rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này".
Các thương hiệu phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango... cũng liên tục mở rộng hệ thống.
Thời tranh Việt và bài toán thị phần
Một khảo sát hồi năm ngoái của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 là 22,5%. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu 988 triệu USD vào năm 2022.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012 - 2017, với 12,7% mỗi năm, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Hấp dẫn là vậy nên rất nhiều "cá mập" nước ngoài hào hứng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thêm một thương hiệu mới vào Việt Nam, người tiêu dùng có thêm lựa chọn nhưng rõ ràng thị trường thời trang trong nước cũng sẽ chật chội rất nhiều nên nếu không có sự chuẩn bị, các thương hiệu Việt sẽ rất khó để cạnh tranh. Thực tế, đã nhiều tên tuổi lớn mất dần thị phần, thậm chí từ bỏ thị trường.
Được biết đến như một thương hiệu rất thành công, được coi là hàng hiệu với chuỗi 60 cửa hàng lớn nhỏ, thế nhưng Foci đã biến mất sau gần 10 năm ra đời. Dù đang phát triển nhưng những cái tên như Ninomaxx, BlueExchange, PT2000 đã không còn dấu ấn đậm nét so với trước.
Gần đây Canifa gặt hái với chiến lược phát triển dành cho số đông. Thương hiệu này hiện có gần 100 cửa hàng lớn nhỏ. Lợi thế giảm chi phí nhờ rút ngắn thời gian từ khâu thiết kế - sản xuất - lên kệ vì nhà máy sản xuất trong nước. Thế nhưng, theo giới chuyên môn, để tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang, giá cả không nói lên tất cả mà quan trọng nằm ở sự thay đổi mẫu mã phù hợp.
Còn với Ivy Moda, thương hiệu nội đặt mục tiêu trở thành hãng thời trang nhanh cao cấp cũng không tránh khỏi những khó khăn khi người đại diện thương hiệu này cho rằng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhãn hàng quốc tế đang rất gắt gao, không dễ dàng tìm cách chiếm lĩnh "sân nhà" đối với số đông doanh nghiệp thời trang trong nước.
Theo giới chuyên môn, việc giữ vị thế của các thương hiệu nội là không dễ dàng bởi những hạn chế trong việc nắm bắt xu hướng và thiết kế, không đem lại trải nghiệm phong cách và không thay đổi trong cách quảng bá. Rõ ràng, sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài là “lửa thử vàng”, để các doanh nghiệp thời trang Việt Nam tiến hành một cuộc đại tu từ thiết kế, sản xuất, phân phối đến marketing. Chỉ những doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, nắm vững nhu cầu khách hàng, chịu khó thay đổi và học hỏi mới có thể tiếp tục tồn tại.