Thịt heo Mỹ ồ ạt "chạy" sang Việt Nam để "né" chiến tranh thương mại?
Tính đến thời điểm này, sản phẩm heo Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng gấp 2 lần về sản lượng và tăng gấp 3 về giá trị.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai đối với các sản phẩm thịt heo Mỹ, chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc). Việt Nam cũng nhập khẩu thịt ba chỉ, giăm bông đã được chế biến sẵn và bảo quản, cũng như nhiều sản phẩm thịt heo chế biến khác từ Hoa Kỳ.
Nguồn cung ngày càng tăng
Ông Gerald Smith – Trưởng Phòng nông nghiệp đối ngoại (Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM) cho biết Việt Nam tiêu thụ thịt heo nhiều hơn các loại thịt khác. Năm 2017 cả nước tiêu thụ 1,8 triệu tấn heo, chiếm 57% tổng lượng thịt. Năm 2017 Việt Nam nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm thịt heo từ Mỹ tổng trị giá 12 triệu USD, tăng 140% so với năm trước.
Trong bối cảnh giá heo hơi tại Việt Nam tăng, do lượng heo nuôi trong nước có xu hướng giảm sau thời gian dài giảm giá mạnh, lượng heo dồi dào tại Mỹ trở thành nguồn cung lớn cho thị trường trong nước. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 5/2018, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam lên đến hơn 11.000 tấn, chiếm 37% lượng thịt nhập khẩu.
Lượng heo nhiều giúp Mỹ có ưu thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu. Thịt heo tại Mỹ được kiểm soát chặt chẽ về quy trình chăn nuôi, chất lượng thức ăn từ đầu vào và quy trình giết mổ hiện đại, đảm bảo vệ sinh và các quy định về nhân đạo với động vật.
Ông Bill Luckey - Chủ tịch Hội đồng tiếp thị quốc tế NPB, tính đến thời điểm này, sản phẩm heo Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng gấp 2 lần về sản lượng và tăng gấp 3 về giá trị.
“Tại Mỹ, người dân thường sử dụng thịt đông lạnh, được bảo quản sau giết mổ trong khi người Việt Nam ưa chuộng loại thịt tươi, nóng ngay sau giết mổ. Chúng tôi hướng đến khai thác phân khúc sản phẩm thịt đông lạnh. Ngoài ra, người Mỹ hầu như không ăn các loại nội tạng, mỗi năm một lượng lớn nội tạng đỏ được xuất khẩu sang Việt Nam. Trong thời gian tới, sẽ hướng đến xuất khẩu nội tạng trắng do nhu cầu sử dụng loại thịt này ở Việt Nam rất cao”, đại diện NPB cho biết.
Cuộc "chạy trốn" của thịt heo Mỹ?
Nhu cầu sử dụng thịt heo trong bữa ăn của người Việt Nam ngày càng tăng, cộng với việc Trung Quốc áp thuế bổ sung thịt heo nhập khẩu từ Mỹ tới 25%, nâng tổng mức thuế mà thị trường này áp lên thịt heo của Mỹ đến 71%, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với mức thuế cao như vậy, thịt heo từ Mỹ khó có cửa vào Trung Quốc, buộc phải tìm các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá về tình trạng này, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình cho biết, giá thịt heo trong nước cao đúng thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ. Trung Quốc đánh thuế cao đối với thịt nhập từ Mỹ. Hơn nữa, một thị trường lớn khác của thịt từ Mỹ là Mexico cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế 20% đối với một số loại thịt heo tươi và đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Gặp khó ở hai thị trường chính nên thịt heo từ Mỹ sẽ nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng để sản phẩm thịt nói riêng và nông sản nói chung trong nước không bị thua ngay trên sân nhà, con đường duy nhất của ngành chăn nuôi là cần cải tiến công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Bên cạnh đó nên có quy định các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo phải có hạn ngạch (quota) chứ không để họ muốn nhập bao nhiêu cũng được mà không được kiểm soát chặt chẽ. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Đại diện một công ty chăn nuôi trong nước cũng cho rằng cần kiểm soát chất lượng thịt nhập và đây mới là điều quan trọng nhất. Bởi có làm như vậy, thịt hết đát, thịt kém chất lượng, nhiễm kháng sinh… mới hết đường tuồn vào Việt Nam. “Để kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu cũng như ổn định thị trường trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm này khi nhập vào Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, giá thành hợp lý” - vị đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.