Doanh nghiệp nhựa và cao su tìm cơ hội đổi mới công nghệ
Được kỳ vọng còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, ngành nhựa và cao su vẫn không đứng lại một chỗ mà nỗ lực để bắt nhịp công nghệ tiên tiến và mới nhất.
Tại Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Nhựa và Cao su tại Việt Nam (VietnamPlas) 2018 đang diễn ra ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 550 nhà cung cấp hàng đầu tham gia đến từ 19 quốc gia trên thế giới đã có mặt và mang đến những giải pháp cùng hàng loạt máy móc, công nghệ mới để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, triển lãm thường niên và chuyên ngành này là một cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận máy móc, đổi mới công nghệ, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp lại khổ vì thủ tục phế liệu, phế phẩm
16:33, 03/10/2018
Siết chặt nhập khẩu phế liệu
02:36, 22/09/2018
Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu: Sẽ hết cảnh “mang con bỏ chợ”?
05:00, 21/09/2018
Tái xuất chất thải “đội lốt” phế liệu
11:00, 18/09/2018
Chính phủ nói gì về vấn đề nhập khẩu phế liệu?
19:10, 30/08/2018
Nhập phế liệu hay không?
05:21, 19/08/2018
Đại diện Ban Tổ chức, Công ty Yorkers cho biết, với lịch sử 17 năm, VietnamPlas đã tạo danh tiếng trong ngành Nhựa và Cao su Việt Nam. Năm 2018, rất nhiều thương hiệu lớn đến từ các quốc gia đặt kỳ vọng cao về nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn như công ty Waps mang đến máy đúc nhựa áp lực series BS-III với tính linh hoạt cao và tiết kiệm năng lượng. Nhà sản xuất tái chế nhựa Polystar không chỉ mang đến máy tái chế chất lượng cao mà còn giới thiệu máy thổi màng và máy làm túi. Trong khi đó công ty Lung Meng giới thiệu máy thổi màng hiệu suất cao dành cho các nhà sản xuất túi nhựa tại Việt Nam...
Chia sẻ với DĐDN, ông Kee Ho Kim, TGĐ LS Mtron, một doanh nghiệp sản xuất và cung cấp máy móc ngành nhựa được tách ra từ Tập đoàn LG Hàn Quốc từ năm 2003, cho biết, đây là lần đầu tiên LS Mtron có mặt tại triển lãm ngành lịch sử lâu năm này. "Với tăng trưởng kinh tế tốt hiện nay của Việt Nam cùng tăng trưởng thị trường đang ở mức cao, LS Mtron hy vọng mang đến những công nghệ mới nhất 100% "made in Korea", có thể giúp doanh nghiệp Việt cải tiến công nghệ sản xuất sản phẩm nhựa, giảm chi phí và giá thành, chất lượng tốt để phục vụ cho thị trường", CEO người Hàn nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa và Cao su Tp HCM (RPMA), hai ngành Cao su và Nhựa đều đang trước những cơ hội lẫn thách thức trong môi trường kinh doanh đầy biến động. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang khiến phía Trung Quốc xuất hiện sự dịch chuyển các đơn hàng và làn sóng mua hàng cao su từ Việt Nam tăng lên. "Trong 7 tháng 2018, lượng sản phẩm xuất khẩu lốp xe tăng lên tới 40% tương đương 1 tỷ USD. Với lượng cao su không thuần túy xuất thô tự nhiên tăng như vậy, đây là tín hiệu tốt lành cho ngành su Việt. Để tranh thủ cơ hội này thì cao su dĩ nhiên sẽ tính đến thời điểm nâng cao sức cạnh tranh bằng công nghệ, bằng máy móc thiết bị tiên tiến", ông Quốc Anh cho biết.
Tương tự, Chủ tịch RPMA cũng cho biết trong 10 năm qua, ngành Nhựa Việt Nam đã liên tục tăng trưởng cao với mức bình quân 15-17%/ năm. Riêng năm 2017 xuất khẩu đạt kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD. Lượng tiêu thụ tốt, ngay cả trong nội địa tiêu thụ nhựa tính trên kg bình quân đầu người cũng đã tăng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế nguồn lực và nhân công giá rẻ, khả năng "sao chép" mẫu mã nhanh với chi phí thấp, ngành Nhựa lại cũng đang đứng trước thách thức là phụ thuộc vào biến động giá nguyên vật liệu thế giới.
"Việt Nam phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành nhựa từ thế giới chiếm tới 80%. Nên chỉ cần giá biến động nhỏ là doanh nghiệp bị ảnh hưởng do biên tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Để giảm sự phụ thuộc này, ngành Nhựa cần tăng cường tỷ lệ nhựa tái chế, đồng thời khắc phục khâu chủ động mẫu mã thiết kế. Mà làm điều đó thì không chỉ cần con người, chính sách, mà còn đặc biệt cần công nghệ mới, thiết bị sản xuất tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu và chi phí để qua đó giảm giá thành!".
Không chỉ tận dụng cơ hội VietnamPlas 2018 để kết nối đến các nhà cung ứng máy móc, thiết bị, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng xem Triển lãm là địa chỉ tìm kiếm các nhà phân phối, khơi thông đầu ra. Một đại diện từ công ty Kyoritsu Bussan Vietnam, doanh nghiệp ngành Nhựa có vốn đầu tư và công nghệ Nhật đang sản xuất tại Khu công nghiệp Đông An 2-Bình Dương, chia sẻ: Với công nghệ Nhật và hoạt động gia công, cung cấp cho các đối tác Casio, Sony, Samsung, Helmets... Công ty này cũng đang hy vọng các sản phẩm nhựa chất lượng cao, giá thành tuy có nhỉnh hơn các sản phẩm "hàng chợ" trên thị trường nhưng phù hợp chất lượng như dây nhựa đồng hồ, các loại dép nhựa, vỏ ốp lưng điện thoại...của công ty, sẽ chọn được đối tác phân phối trong kỳ triển lãm để mang đến phục vụ được rộng rãi hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.
Hiện chưa có thống kê chi tiết triển lãm sẽ mang đến bao nhiêu cơ hội đơn hàng cho các doanh nghiệp. Song với sự tham gia từ hai phía cung cấp - sản xuất đến các kỳ vọng tìm kiếm mọi cơ hội đổi mới công nghệ, gắn kết kinh doanh, doanh nghiệp Nhựa và Cao su đang nỗ lực để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vượt tốc.
Bên lề sự kiện, các hội thảo chuyên sâu về "triển vọng ngành nhựa, hiện trạng và các giải pháp phát triển bền vững"; "Thực trạng rác thải nhựa và đầu tư tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam"...cũng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về bức tranh chính sách, hiện trạng và điều kiện nào cho nhập khẩu phế liệu hay cơ hội từ tái chế nhựa... VietnamPlas 2018 kéo dài đến hết ngày 7/10/2018.