Nông sản Việt vào siêu thị: Cần "liệu cơm gắp mắm"
Dù có nhiều tiềm năng, song nông sản Việt lại trầy trật khi cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, điển hình là ở khâu đưa hàng vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.
Khó khăn bủa vây
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại nêu trên được đánh giá là khá nhỏ bé so với năng lực sản xuất của Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu chuối và các loại nông sản sạch, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, cho rằng những ai không liên kết được thì không thể đặt chân vào "sân chơi" này. "Chẳng hạn, người mua trứng gà muốn ngày nào cũng có, hoặc muốn mua chuối hay thịt bò ngày nào họ cũng muốn có, nên nếu làm nông sản lẻ tẻ thì khó mà vào siêu thị được. Vì thế, "sân chơi" này không phải dành cho những nhà sản xuất riêng lẻ mà phải liên kết lại mới làm được", ông Huy nói rõ.
Còn theo ông Quốc Bình, chủ cơ sở sản xuất cá khô TQ (Đồng Tháp), chia sẻ, đã từng bán hàng vào một siêu thị từ cuối năm 2016 nhưng do có quá nhiều trở ngại nên từ tháng 3-2017 đến nay ông không bán nữa. Lý do ông Bình đưa ra thứ nhất là thời gian cũng như quy trình kiểm tra sản phẩm quá lâu khi mất hơn 1 năm mới đưa được hàng vào siêu thị trong khi thời gian này hoàn toàn có thể rút ngắn. Tiếp đó, khi đưa được hàng vào siêu thị thì khâu thanh toán cũng rất mất thời gian. Theo ông Quốc Bình, trong hợp đồng với siêu thị là “những đơn hàng bắt đầu từ ngày đầu tháng hoặc cuối tháng sẽ thanh toán vào ngày 12 của tháng tiếp theo”. Như vậy, nhà cung cấp không chỉ phải chuẩn bị một đồng vốn mà tới ba đồng vốn. Đó là vốn ban đầu, vốn nằm trong một tháng và vốn của 12 ngày tháng tiếp theo. “Các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ của các tỉnh thường bị hạn chế về tài chính, việc thanh toán chậm khiến họ khó khăn trong việc tái sản xuất mở rộng đầu tư” - ông Bình nói.
Nói thêm về những cái khó của doanh nghiệp khi đưa hàng vào diêu thị, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nêu quan điểm: Yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Lý do quan trọng khác là bởi sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng. Mức chiết khấu thông thường lên tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác. Thực tế trên làm nhiều nhà cung ứng không chịu nổi, nông sản sạch lại được bày bán ngoài thị trường, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đánh giá: Hàng Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng không tham gia được vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn, lý do đầu tiên là chất lượng, thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm để được đưa vào mạng lưới phân phối. Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt rất hạn chế.
Giải quyết nút thắt trong khâu phân phối
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước đạt 400 tỷ đồng/năm. Giới chuyên gia cho rằng đối với người nông dân thì đây có thể là con số lớn nhưng thực ra vẫn khá nhỏ bé so với sức mua của người tiêu dùng hiện nay.
Một số chuyên gia cho rằng, những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị nói riêng, giải quyết nút thắt trong khâu phân phối hàng hóa nói chung tại Việt Nam, điểm quan trọng là cần luật hóa khâu phân phối. Hiện nay, Thái Lan đã có quy định trong phân phối nông sản, 70% lợi nhuận là của người trồng nhưng tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, muốn khơi thông dòng chảy thương mại hàng hóa, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển từng loại nông sản, đồng thời mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa cũng như hạ giá thành sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Định hình nông sản chủ lực quốc gia
05:23, 21/10/2018
Liên tục "đụng hàng", nông sản Việt sẽ đi về đâu?
03:14, 17/10/2018
Thanh long và ba yếu điểm "cố cựu" của nông sản Việt
11:00, 09/10/2018
Nông sản Việt được chú ý ở Pháp
14:50, 03/10/2018
Theo ông Vũ Vinh Phú, giải pháp quan trọng còn là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm. "Cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, hạn chế, tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ; đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp", ông Phú nói.
Theo bà Nguyễn Thị Bình Minh, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart, khi đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp phải đầu tư, có kế hoạch thật sự, làm sao trong vòng ba tháng doanh nghiệp phải giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết mình là ai, khẳng định sản phẩm của mình vượt trội trước hàng ngàn sản phẩm ở siêu thị. Nếu doanh nghiệp đã làm hết sức mà không hấp dẫn người tiêu dùng thì họ cần cải thiện ngay.
Ông Hồ Minh Chính, Giám đốc K.A.S trainning & coaching, chỉ rõ: Không khó để nhìn thấy 80% doanh thu ở các siêu thị lớn đến từ 20% doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có khả năng chấp nhận mức chiết khấu cao hay công nợ kéo dài…
“Doanh nghiệp sản xuất muốn bán hàng thì phải có kênh phân phối . Tuy nhiên, tùy năng lực, khả năng tài chính, con người tới đâu thì doanh nghiệp chọn kênh phân phối phù hợp. Đừng thấy người ta đưa hàng vào siêu thị thì mình cũng phải đưa hàng vào bán cho bằng được” - ông Chính khuyên.