Khi thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính"

Nha Trang 08/11/2018 15:51

Thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hàng nông, thủy sản phải bảo đảm chất lượng, đúng kích cỡ, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc.

Thị trường lớn của nông, thủy sản

Thị trường Trung Quốc rất rộng lớn vì là quốc gia đông dân nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục, hiện nay đã đạt 8.000 USD/năm, đặc biệt tầng lớp trung lưu tăng khá nhanh. Người dân Trung Quốc rất biết ăn, thích ăn và ăn khỏe, nên nhu cầu về nông, thủy sản ngày càng cao.

Hiện Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Nhận định về thị trường đầy tiềm năng này, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng hàng nông, thủy sản của Việt Nam rất lớn trong những năm vừa qua. Đặc biệt hàng nông, thủy sản việt Nam còn có lợi thế về đường vận chuyển do 2 nước có chung biên giới, người dân Trung Quốc đã biết rất rõ về nông, thủy sản Việt Nam, như thanh long, vải, gạo, điều nhân, cà phê, cá tra, cá basa..."

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2017 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông thủy sản của đại lục đạt 200 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 7/2018, kim ngạch nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc đạt 80,5 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó 70% giá trị kim ngạch nhập khẩu nông, thủy sản đến từ Mỹ, Brazil, Đông Nam Á, EU, và Úc.

Trung Quốc là một nước nông nghiệp lớn, sản xuất nông, thủy sản đảm bảo nhu cầu, nhưng người dân đang chuyển dịch theo xu hướng từ ăn no sang ăn ngon, lại rất e ngại về chất lượng sản phẩm nội địa do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, và không đảm bảo chất lượng, vì thế từ năm 2008 - 2017, nhu cầu nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm. 

Nếu sản xuất, kinh doanh tốt, nông, thủy sản Việt Nam không chỉ tăng giá trị mà còn mở rộng được nguồn hàng. 

Giải bài toán chất lượng

Việc Trung Quốc đặt nhiều rào cản kỹ thuật sẽ giúp giảm thiểu việc xuất khẩu tiểu ngạch, vốn bị ảnh hưởng bởi việc thương lái thu gom sản phẩm từ con cá tra đến trái thanh long chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc khiến thương hiệu có thể bị đe dọa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng cho hàng nông, thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp còn có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả.

Để tận dụng tốt thị trường đầy tiềm năng này, ông Vĩ Tích Thành khẳng định, với nông, thủy sản Việt Nam, nếu đảm bảo chất lượng sẽ được tiêu thụ rất tốt tại Trung Quốc. Sở dĩ hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch vì không đảm bảo được chất lượng. Nếu Việt Nam làm tốt khâu xây dựng chất lượng và đảm bảo quy trình trồng trọt, chăn nuôi thì nông sản nhập khẩu chính ngạch dễ dàng vào thị trường Trung Quốc với giá cao hơn, rất ít rủi ro.

Theo nhà nông học, GS. Võ Tòng Xuân, khi Trung Quốc áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách kinh doanh, như xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, vì quy mô tiêu thụ lớn, khoảng cách vận chuyển gần, và nếu cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường này thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận tốt", GS. Võ Tòng Xuân khẳng định.

Nha Trang