Đưa sản xuất manh mún vào chuỗi giá trị
Kinh tế hợp tác xã (HTX) phát triển chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy cần tập trung vào các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục và vượt qua thách thức.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, BCH TW Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp".
Bí đầu ra cho sản phẩm
Sản phẩm cá vược của HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) nổi tiếng về chất lượng ngon, sạch. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường trên 300 tấn cá vược thương phẩm. Thế nhưng, lợi nhuận các hộ sản xuất thu được không lớn, do sản phẩm chủ yếu bán buôn cho thương lái hoặc bán lẻ tại các chợ, chưa có doanh nghiệp bao tiêu.
Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX cho biết, HTX chỉ tập trung sản xuất, chưa có kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm, thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu. Hơn nữa, HTX không có khu sơ chế, bảo quản cá sau thu hoạch, nên cá thu hoạch đến đâu, phải bán hết đến đó. Có thời điểm, các hộ nuôi thu hoạch cùng lúc, sản lượng cá lớn, tư thương ép giá bằng cách chậm thu mua. Với mỗi ngày bán chậm, các hộ chi phí khoảng 16 triệu đồng/ha tiền thức ăn, chưa kể các chi phí khác nên đành chấp nhận bán dù giá thấp. HTX muốn liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản hoặc siêu thị để tìm được thị trường đầu ra ổn định cho cá vược, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?
Khó khăn ở HTX Mắt Rồng cũng là khó khăn chung của nhiều HTX trên địa bàn TP Hải Phòng. Ngay những HTX được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả cao, năng động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm sau chuyển đổi cũng gặp lúng túng. Như ở HTX Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng, HP), Giám đốc Phạm Văn Tùng cho biết, đến nay, HTX mới chỉ liên kết bao tiêu được sản phẩm cho vùng sản xuất lúa giống Nếp Đăng Lưu hơn 10 ha và 10 ha dưa gang. Các sản phẩm khác của HTX như: dưa chuột, ớt, cà chua, khoai tây… các hộ thành viên phải tự lo khâu tiêu thụ.
Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đưa ra những cơ chế thông thoáng với kỳ vọng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận cơ chế thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thay cho mô hình trước đây. Thế nhưng sau 5 năm luật đi vào cuộc sống, thực tế phần lớn các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại hội nghị Liên minh HTX 9 tỉnh, thành phố phía Bắc đầu tháng 7 tại Hải Phòng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp được lãnh đạo liên minh HTX các tỉnh, thành phố đề xuất nhằm thúc đẩy các HTX phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Hữu Đạo, Phó chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp TP Hải Phòng, các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng và tham gia vào chuỗi giá trị. Khi liên kết, các HTX phải đáp ứng yêu cầu có sản lượng hàng hóa tương đối lớn, sản xuất ổn định, sản phẩm có chất lượng. Trong khi thực tế hiện nay, phần lớn các HTX hạn chế về năng lực, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao.
Bên cạnh đầu ra thì nguồn vốn cho các HTX cũng là một vấn đề cấp thiết. Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX thủy sản Mắt Rồng (Thủy Nguyên, HP) cho biết, HTX “đói” vốn. Nếu có đủ vốn, các hộ nuôi cá chủ động được con giống, nguồn thức ăn, không lo tư thương ép giá. Đồng thời, đầu tư cải tạo ao nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và dễ dàng hơn trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp lớn cũng như đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các siêu thị.
Có thể bạn quan tâm
"Mỏ vàng" từ chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản
11:00, 18/06/2019
Cần tạo mạng lưới, chuỗi giá trị và đầu vào trong xúc tiến thương mại
05:30, 18/06/2019
Điểm nghẽn doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
04:50, 12/06/2019
Vì sao doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
14:45, 24/04/2019
Hành trình của thương hiệu Việt tiến vào chuỗi giá trị Samsung, Mitsubishi vì... tự ái
04:06, 05/02/2019
Liên kết và tự chịu trách nhiệm
Mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó có chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã giúp HTX Tín Phát (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) hiện là một trong những đơn vị sản xuất hoa lan hồ điệp có tiếng ở địa phương.
Mỗi năm, HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường trên 30.000 cây hoa, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc HTX cho biết: Tham gia vào dự án trồng hoa chất lượng cao, HTX đã được huyện Hoành Bồ hỗ trợ toàn bộ cơ sở vật chất, cây giống và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong quy trình trồng, chăm sóc cây hoa lan. Nhờ đó, HTX có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, từng bước nhân rộng quy mô sản xuất từ 10.000 cây lên 30.000 cây/năm.
Chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới thực chất là chuyển sang hoạt động theo cơ chế “tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm”. Trước đây, các HTX hoạt động theo sự chỉ đạo của UBND xã. Việc liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra của HTX do chính quyền lo. Cán bộ HTX hưởng lương từ ngân sách. Vì vậy, sau chuyển đổi hoạt động, hầu hết các HTX đều lúng túng. Vòng luẩn quẩn là: Muốn có đầu ra bao tiêu cho sản phẩm thì phải có số lượng lớn và chất lượng bảo đảm, nhưng muốn sản xuất lớn thì phải có đầu ra rộng lớn.
Để hóa giải “vòng kim cô” này, không thể thiếu bàn tay Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức các HTX tham gia các hội chợ, hội nghị trong nước, quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh. Các hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ HTX tiếp cận với các cơ sở tín dụng có nguồn vay vốn ổn định, lãi suất ưu đãi…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng HTX là giải pháp quan trọng nhất tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, cần phải giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên.
Tuy nhiên, đổi mới nhận thức, cách tiếp cận và đặc biệt cần điều chỉnh các chính sách phù hợp với cơ chế thị trường chính là nút thắt cơ bản cần phải gỡ trong sự phát triển của kinh tế tập thể giai đoạn tới. Mà ở đó, năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh HTX sẽ đóng vai trò chính để kết nối và hỗ trợ.