Ổn định giá thịt lợn từ nay đến cuối năm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao.
Trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019.
Đồng thời xây dựng kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các nội dung trên trước ngày 21/10/2019.
Có thể bạn quan tâm
Thịt lợn ngoại tràn vào Việt Nam
00:00, 18/08/2019
Cần có chính sách bảo hiểm doanh nghiệp cấp đông thịt lợn
05:00, 23/06/2019
“Bảo hiểm” cho doanh nghiệp cấp đông thịt lợn
11:31, 05/06/2019
Liệu có biến động cung - cầu sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới?
00:00, 15/05/2019
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ cuối quý III vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, nguồn cung thịt lợn chỉ hụt khoảng 3 - 4%, tương ứng 200.000 tấn thịt vào cuối năm nay. Vào cuối tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại đưa ra dự báo Việt Nam sẽ thiếu nửa triệu tấn thịt lợn vào dịp cuối năm.
Giải pháp được bộ này đưa ra là các địa phương phải nỗ lực “kiềm chế” dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tái đàn theo hướng an toàn sinh học, đẩy mạnh nuôi gia cầm, thủy sản; nhập khẩu thịt bò, gà. Tuy nhiên, giải pháp đẩy mạnh nuôi gia cầm thay thế thịt lợn có vẻ chưa ổn. Bằng chứng là đã có những đợt sóng gia tăng nuôi gà khiến số trại nuôi gà tại khu vực miền Đông Nam bộ tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái và đã không ít chủ trại gà phá sản trong mấy tháng qua.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dự báo, sẽ có đợt thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Lợn không còn để thu gom nên các công ty liên tục đưa ra mức giá hấp dẫn mỗi ngày để cạnh tranh mua. “Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng nhà nước sẽ có giải pháp điều chỉnh nguồn cung nhằm tránh tăng “nóng” nơi không còn lợn để bán, nhưng lại giảm giá tại các địa phương đang thừa lợn”, ông Công cho biết.
Vẫn theo ông Công, giải pháp tái đàn theo hướng an toàn sinh học được các cơ quan chức năng đề cập như giải pháp tối ưu. Cụ thể, vệ sinh, cọ rửa, sát trùng chuồng mấy lượt, thậm chí lấy mẫu trong trại đi xét nghiệm coi mức an toàn tương đối thế nào, rồi bỏ không trại từ 1 - 2 tuần mới thả lợn vào nuôi.
“Với các trang trại chưa từng nhiễm dịch, qua kiểm tra, nếu áp dụng an toàn sinh học để tái đàn, sẽ không đáng lo bằng các trại đã từng bị nhiễm dịch, lợn từng tiêu hủy hàng trăm con ngay trong trang trại, việc tái đàn bằng hướng sinh học cũng không an toàn”, ông Công khuyến cáo.