Xuất khẩu thủy sản khó cán đích 10 tỷ USD
Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá giảm nên năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu khó đạt 10 tỷ USD như kế hoạch.
Đó là dự báo của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu lên tại hội nghị "Phát triển ngành thủy sản bền vững" do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 30/11, tại Cần Thơ.
Ông Hòe dẫn chứng số liệu, 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt 7,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018 do 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra đều giảm. Trong đó xuất khẩu tôm đạt 2,78 tỷ USD (giảm 6,4%), xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD (giảm 10%).
Nguyên nhân là sản lượng tồn kho của thị trường nhập khẩu cao, trong khi nguồn cung dồi dào dẫn đến giá bán sụt giảm, điển hình như thị trường Mỹ, giá tôm giảm hơn 1USD/kg, cá tra giảm 2USD/kg. Cùng với khó khăn ở một số thị trường khác như: EU, Hàn Quốc, Hồng Kông... do đó, dự báo dù tổng sản lượng xuất khẩu toàn ngành cả năm tăng hơn 5% so với năm 2018 nhưng kim ngạch có khả năng chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD, tức thấp hơn 1 tỷ USD so với kế hoạch của Bộ NN&PTNT đề ra.
“Tuy gặp nhiều thách thức trong năm nay nhưng, năm 2020 xuất khẩu thủy sản sẽ tốt hơn vì chúng ta đang có nguồn nguyên liệu ổn định. Năm 2020 thuế suất chống bán phá giá tôm ở thị trường Mỹ chỉ còn 0%, nên chắc chắn xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại, từ đây lan sang các thị trường khác, trong đó có EU. Đối với thị trường lớn như Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuyển mạnh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch theo yêu cầu của thị trường này. Hiện hàng xuất chính ngạch sang Trung Quốc đã chiếm từ 70%-80% và đang tiếp tục cải thiện” ông Hòe kỳ vọng.
Cùng góc nhìn lạc quan về thị trường, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, nhận định: “xuất khẩu cá tra trong năm 2019 giảm nhưng vẫn có tín hiệu tích cực do nhu cầu của người tiêu dùng không giảm, điều đó cho thấy do còn hàng dự trữ nên khác hàng chậm nhập thêm hàng. Vì vậy, chắc chắn sau khi hết hàng dự trữ thì các nhà nhập khẩu sẽ đẩy mạnh mua hàng trở lại. Vấn đề hiên nay là chúng ta phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu, quản lý chất lượng tốt thì sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu trong năm 2020”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn là do bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, các nước nhập khẩu dựng nhiều hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước; mặt khác chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu là những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến bày tỏ kỳ vọng với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu và các cam kết cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường mà Việt Nam là thành viên sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thủy, hải sản.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu tôm sang Canada: Tiềm năng lớn vì sao tăng trưởng không ổn định?
00:00, 13/11/2019
Sau khi bán cổ phần cho Mitsui & Co, Minh Phú lấy tiền đẩy mạnh nuôi tôm
00:00, 18/11/2019
Cảnh báo xuất khẩu tôm sang Trung Quốc
00:00, 29/11/2019
Việt Nam đã tự tin khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ?
05:00, 11/11/2019
Tia sáng với "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn
00:00, 14/11/2019
“Nữ hoàng cá tra” lao đao
02:52, 24/11/2019
[DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN TUẦN QUA]: Cuộc "phiêu lưu" của cao su Phước Hòa, “Nữ hoàng cá tra” lao đao
06:00, 24/11/2019
Xuất khẩu cá tra: Nhiều mảng tối tại một số thị trường trọng điểm
00:03, 27/11/2019