Các doanh nghiệp lớn tăng hàng dự trữ từ 300 – 500%
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các doanh nghiệp lớn đã tăng lượng hàng hóa dự trữ từ 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ. Hà Nội đã yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa, theo đó các doanh nghiệp tăng lượng hàng dự trữ 30-40%.
Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi siêu thị Hapro tham gia bình ổn giá đồng hành cùng người tiêu dùng Thủ Đô
07:59, 16/03/2020
Bộ Công Thương: Nguồn hàng trong các siêu thị dồi dào, giá ổn định
15:47, 05/02/2020
Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân. Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân. Tập đoàn Central Retail chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…
Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường trong nước cung cấp trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Kết quả kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường trong ngày 22/3/2020 là 44 vụ. Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 22/3 là 6.897 vụ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.513.131.000 đồng. Ngày 20/3, Sở Y tế TP. Hà Nội đã tiếp nhận đợt 2 với số lượng 50.040 chiếc khẩu trang y tế từ Cục Quản lý thị trường.
Số hàng hóa này là tang vật tịch thu từ các vụ việc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội trong thời gian qua. Tổng cộng, Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận 176.156 chiếc để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội.
Còn tại Ninh Thuận, từ ngày 31/1 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã xử lý 13 vụ, tổng số tiền xử phạt 15.600.000 đồng. Ngoài ra, các Đội Quan lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới 244 cơ sở kinh doanh vật tư y tế và 41 cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm.