Kinh doanh trực tuyến “đổi đời” nhờ... COVID -19

Đ.K Hà 26/03/2020 19:23

LTS: DĐDN có loạt bài giới thiệu cơ hội phát triển kinh doanh và dịch vụ trực tuyến mùa dịch cúm COVID-19.

Vòng xoáy bão táp dịch bệnh vẫn mang đến cơ hội lớn cho một số ngành, chẳng hạn như dược phẩm, kinh doanh online, hay công nghệ số… Đây là điều mà ai cũng dễ dàng nhìn ra.

Khi người dân không muốn ra khỏi nhà, họ sẽ có xu hướng hoạt động và mua sắm online nhiều hơn. Trên thực tế, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng chóng mặt trong hai tuần qua. Đặc biệt có những kênh bán hàng qua mạng ở Hà nội tăng đến 70% doanh số so với tháng trước.

br class=

Mùa dịch COVID -19 người dân ngại ra khỏi nhà, có xu hướng mua sắm online nhiều hơn, đội ngũ Grab - Goviet những ngày này bận rộn với những đơn hàng đặt qua App. Ảnh: HIẾU GIANG

Cơ hội cho những “gương mặt mới”

Nhu cầu giao dịch online tăng đột biến là điều không thể bàn cãi. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp đang muốn giảm phụ thuộc vào kênh mặt bằng kinh doanh truyền thống. Có thể cơ hội này đến hơi bất ngờ, doanh nghiệp chưa chuẩn bị được hoàn hảo, nhưng sẽ là bước mở đầu không thể thuận lợi hơn nếu doanh nghiệp bắt tay ngay vào hành động. Lập tức cập nhật thông tin trên hệ thống website, tổng đài online và điện thoại, tung các chương trình khuyến mại cho mua hàng trực tuyến, triển khai các chiến dịch marketing phù hợp, sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được với lượng cầu tiềm năng đang tăng đột biến.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, bởi doanh thu mới chiếm 3% trong tổng doanh thu của thị trường bán lẻ.

Thậm chí với các doanh nghiệp, các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ xưa nay chỉ dựa vào mặt bằng kinh doanh, đây cũng là cơ hội lớn để chuyển mình. Thay vì cam chịu nhìn cửa hàng vắng vẻ khi dịch chưa qua, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tham gia bán hàng qua mạng và điện thoại. Tích cực, năng động, và linh hoạt, doanh nghiệp rất có thể không chỉ tìm được ‘lối thoát’ cho mình trong thời buổi khó khăn mà còn mở ra được cánh cửa đến tương lai tiềm năng hơn rất nhiều.

Và... để bứt phá

Với các doanh nghiệp tham gia đã lâu trên ‘sân chơi online’, đại dịch lần này không chỉ đem đến khả năng doanh thu cao đột biến, mà còn là cơ hội để củng cố vị thế, củng cố niềm tin của khách hàng, có thêm các khách hàng mới và có cơ hội vượt lên đối thủ, phát triển một cách bền vững. Đây chính là lúc doanh nghiệp, người bán hàng khẳng định mình là một nhà kinh doanh online chân chính: cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý và không đổi cho dù nhu cầu tăng cao, dịch vụ tốt dù gặp nhiều khó khăn giữa mùa dịch. Tạo dựng được uy tín đối với khách hàng lúc này sẽ là đòn bẩy vô giá cho thành công trong tương lai của doanh nghiệp.
Đồng thời, vì nhu cầu tăng đột biến, thị trường chắc chắn sẽ ít nhiều có xáo trộn, thậm chí sẽ lộn xộn. Một doanh nghiệp chuyên nghiệp, một sản phẩm chất lượng, dịch vụ tin cậy, sẽ là bản lề cực lớn giúp các doanh nghiệp vượt lên trên đối thủ và vươn xa trong thời gian này.

Cơ hội cho ngành dịch vụ

Lượng người online tăng cao không chỉ dẫn đến tăng nhu cầu đối với hàng hóa online, mà nhu cầu đối với các dịch vụ online cũng tăng vọt.

Cụ thể, nhu cầu giải trí, phim ảnh, tìm thông tin, giao lưu trên mạng… có thể mở ra vô số cơ hội mới cho các nhà cung cấp dịch vụ online. Các lĩnh vực như ca nhạc, hài kịch, truyền hình, dàn dựng phim, giáo dục, tư vấn online, đầu tư online, thậm chí du lịch online… đang đứng trước thời cơ cực kì thuận lợi.

Trong bối cảnh các ngành nghề sản xuất ra sản phẩm hầu hết phụ thuộc vào nguyên vật liệu hoặc máy móc từ Trung Quốc - nơi tâm dịch và đang cấm biên với Việt Nam, kể cả mua bán hàng online sắp tới cũng sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của việc thiếu nguyên vật liệu, thì nhiều ngành dịch vụ lại quá may mắn vì gần như không cần đến “nguyên vật liệu” từ Trung Quốc. Đặc trưng Việt hoàn toàn chiếm ưu thế trong các dịch vụ liên quan đến đời sống tinh thần của người Việt.

Hơn thế nữa, các sản phẩm văn hóa, giải trí online còn có nhiều cơ hội “xuất khẩu” bởi nhu cầu giải trí trên internet ở các quốc gia khác cũng tăng lên do lo ngại về dịch bệnh trên toàn cầu. Hiện tượng một số bộ phim Hàn Quốc “oanh tạc” không gian mạng những ngày gần đây ít nhiều chính là kết quả của việc lượng người giải trí online tăng cao.

Hi vọng các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, và chúng ta sẽ sớm được thấy một thị trường dịch vụ qua mạng thực sự sôi động cùng những cái tên Việt bứt tốc, chinh phục đỉnh cao trong thời gian tới.

Đ.K Hà