Nhiều “rào cản” với HTX nông nghiệp sạch
Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới… Điều này đã giúp chúng tôi có thêm động lực để tạo dựng khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư các mô hình, dây chuyền sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để một đơn vị doanh nghiệp trẻ như chúng tôi sớm “định hình”, cơ chế chính sách hiện nay cũng cần được quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành.
Chỉ nói riêng về khâu nhận và giải quyết hồ sơ thôi, doanh nghiệp cũng phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được. Chưa kể, cơ chế “ngầm” hiện nay đang tồn tại - đó là tình trạng cán bộ phải có “bôi trơn” mới tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, để hoàn thiện một bộ hồ sơ đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, doanh nghiệp cũng phải tự mò mẫm, “nhờ vả” mới thực hiện được.
Ngay như Luật hợp tác xã năm 2012 ra đời và có hiệu lực từ 1/7/2013 quy định rất rõ về thời gian tiếp nhận, trả kết quả về thủ tục thành lập nhưng khi tiến hành thành lập, đại diện hội đồng quản trị của nhiều đơn vị cũng gặp rất nhiều rắc rối.
Trong khi đó, Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản dưới Luật quy định, hướng dẫn rất rõ về quy trình, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp nhưng tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thực hiện chưa thống nhất.
Mặt khác, để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh mang tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã chân chính… doanh nghiệp chúng tôi cũng cần được đối xử một cách công bằng.
Cụ thể, nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị cố ý sử dụng nguồn thực phẩm bẩn đang bị “trà trộn” tại các cơ sở như trường học, nhà máy, xí nghiệp… để cánh báo cho người tiêu dùng.
Thực tế hiện nay nhà nước đã ban hành khá đầy đủ các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng thực phẩm. Thế nhưng tại nhiều nhà ăn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn... việc yêu cầu phải sử dụng thực phẩm có nguồn gốc không kiểm soát được.
Ngay như tại chợ Vinh (chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh Nghệ An) thì khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đều phát hiện 90% các mẫu thực phẩm đều nhiệm độc tố, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chưa kể, tình trạng nhập thực phẩm bẩn đang tràn lan, các đầu mối buôn bán cũng đang nhập hàng tràn lan, thiếu kiểm soát... Điều này khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại với kinh phí hàng tỷ đồng có nguy cơ thua lỗ do thực phẩm không rõ nguồn gốc đang tìm cách trà trộn, dán mác thực phẩm chất lượng cao để phá giá thị trường.