“Khung pháp lý 4.0” sẽ là lực hấp dẫn của Việt Nam
Cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analystic), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, người máy học (Robotics), internet vạn vật (IoT), phương tiện tự hành, công nghệ nano đã đặt doanh nghiệp toàn cầu vào một cuộc đua tranh khốc liệt.
Giải pháp mấu chốt để gặt hái thành công trong cuộc cách mạng 4.0 chính là vấn đề nguồn nhân lực. Các kỹ sư Việt Nam phải sẵn sàng học tập cái mới để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn ngay trong nay mai. Công nghệ 4.0 đòi hỏi mỗi lao động phải hiểu biết, có kỹ năng số. Chẳng hạn như quần áo không chỉ đơn giản là một thứ để mặc chống rét, chống nắng hay làm đẹp mà còn là thiết bị để theo dõi sức khỏe, trạng thái và gợi ý những việc người mặc cần làm...
Đồng thời, pháp lý kinh doanh cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Những lợi thế về đất đai, nguồn lao động giá rẻ có thể không còn quan trọng nữa mà khung pháp lý 4.0 sẽ là lực hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin... trong công cuộc chuyển đổi số.
Vấn đề cần quan tâm là doanh nghiệp công nghệ thông tin phải nhanh chóng nâng cấp từ công nghệ thông tin sang kỹ thuật số gồm Big Data, AI, tự động hóa sản xuất, số hóa thế giới vật lý...
Điều cần làm ngay lúc này là chủ doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên. Doanh nghiệp nào thành công sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Uber và Grab là minh chứng về mô hình kinh doanh mới ra đời theo sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, xu hướng không thể cưỡng lại được trong nền kinh tế số.