Càng mở càng lỗ, vì sao cửa hàng tiện lợi vẫn đua nhau mọc
Vài năm trước đây, các cửa hàng tiện lợi thường chỉ mở tại trục đường chính tại các quận trung tâm TP HCM thì nay, cửa hàng tiện lợi đã mọc lên rầm rộ tại các ngõ ngách, khu dân cư, thậm chí các huyện vùng ven ngoại thành. Các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang cạnh tranh sôi nổi với các tiệm tạp hóa, chợ cóc ở khu vực vùng ven TP HCM.
Mô hình cửa hàng tiện lợi đã và đang đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm thiết yếu, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Tuy nhiên, so với siêu thị và cửa hàng truyền thống, mô hình cửa hàng tiện lợi, theo các nhà bán lẻ, vẫn chậm thu hồi vốn, kém cạnh tranh do giá bán hàng hóa đắt hơn.
Để giảm giá bán, các chuỗi cửa hàng phải đảm bảo số lượng cửa hàng đủ lớn, tối thiểu phải có khoảng 150- 200 điểm bán thì mới đạt điểm hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận.
Thông thường, mỗi cửa hàng phải mất 5- 6 năm mới có thể hoàn vốn. Đồng thời, cần phải mở tối thiểu 300 cửa hàng mới đảm bảo có mức lợi nhuận ổn định. Trước khó khăn đó, một số đơn vị bán lẻ đã tính đến chuyện nhượng quyền để giảm chi phí và tối ưu hóa độ phủ cửa hàng.
Mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần hiện không còn phát triển ở thị trường trong nước do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Dự đoán các cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi vì khi mua sắm người Việt Nam hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn. Điều này lý giải vì sao, việc đầu tư cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi.