Nên xây dựng "khu công nghiệp" nuôi cá tra xuất khẩu
Hiện nay giá bán cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 1,9USD/1pound, tương đương hơn 4 USD/kg, đây là mức giá tốt nhất trong các thị trường. Năm 2017, Mỹ bắt áp dụng đạo luật Farm bill nên xuất khẩu vào thị trường này có sụt giảm nhưng vẫn là thị trường lớn.
Với việc phía Mỹ thực thi chương trình thanh tra cá da trơn để tiến tới công nhận tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ cho cá tra Việt Nam, như chúng tôi được biết, phía FSIS (Cục Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã chấp thuận Việt Nam là một trong 3 quốc gia hoàn thành bước kiểm tra hồ sơ SRT và đang chuẩn bị sang kiểm tra thực địa nơi sản xuất. Nếu sản phẩm cá tra được công nhận tương đương thì đây là cơ hội rất lớn bởi vị thế của con cá tra được nâng lên có nhiều cơ hội để thâm nhập thêm các thị trường khác.
Tại thời điểm hiện tại giá cá tra đã lên đến 31.000đồng/kg, với mức giá này nếu hộ nuôi tự sản xuất được con giống thì mức lợi nhuận lên đến 10.000 đồng/kg. Chính vì mức lợi nhuận khá hấp dẫn nên hiện nay diện tích thả nuôi mới phát triển rất nhanh, nếu cơ quan chức năng không kịp thời kiểm soát vùng nuôi thì nguy cơ khủng hoảng thừa cá tra sẽ tái diễn.
Để tái cơ cấu ngành sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu nhà nước cần quy hoạch vùng nuôi tập trung từ 500-1.000ha với đầy đủ cơ sở, hệ thống xử lý nước thải tập trung và mời gọi doanh nghiệp vào khai thác như mô hình các khu công nghiệp. Việc nuôi cá tập trung sẽ giúp cho việc kiểm soát chất lượng và áp dụng các quy trình nuôi đạt chuẩn xuất khẩu như: GlobalGAP, ASC, BAP...